Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

ASEAN: Lực bất tòng tâm trong hồ sơ Miến điện ?

21/11/2007_ Miến Điện, một lần nữa, tìm được chỗ nương tựa trong khối ASEAN.

Công luận Đông Nam Á phê phán gay gắt việc ASEAN không dám đụng chạm đến Miến Điện. Xã luận báo Thái Lan The Nation chạy tựa: ''ASEAN bị sa lầy trong hồ sơ Miến Điện''. Cùng ngày hôm nay, báo trên mạng Asia Times (
www.atimes.com) cũng nêu bật thực trạng tâm thần phân lập của khối ASEAN.

Theo báo Asia Times, có một sự phân hóa rõ rệt giữa một bên là những người phê phán ASEAN và bên kia là các lãnh đạo khối này ; diễn văn các vị lãnh đạo nhấn mạnh đến nào là một thời điểm lịch sử của một Hiến chương đánh dấu bước ngoặt, nào là một bản Hiến pháp táo bạo mang tầm nhìn dự phóng cho toàn khu vực, với ý nghĩa cả 10 quốc gia cam kết tiến bước trên con đường dân chủ, chế độ pháp trị và nhân quyền v.v.

Trong khi đó, những người chỉ trích ASEAN đánh giá rằng: Khối này chỉ là một câu lạc bộ mạn đàm, nơi đây các viên chức ngoại giao bị giới hạn ở vai trò cùng nhau ca hát. Bởi vậy, bản Hiến chương mang tính duy tâm này đã bị Miến Điện, một chế độ đàn áp các nhà sư, biến thành một trò cười, hết lời dẫn. Thực tế là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 này tại Singapore đã thông qua một bản Hiến chương mang mục tiêu củng cố cho uy tín của khối này trên chính trường quốc tế, nhưng lại để mất cơ hội cải thiện hồ sơ Miến Điện.

Miến điện một lần nữa được cứu nguy vì hội nghị ASEAN không mang lại một kết quả nào trên vấn đề nóng bỏng nhất của tổ chức.

Không có chuyện lên án Miến Điện, phải để cho nước này có thời gian tiến hành những cải cách dân chủ. Đó là nội dung chủ yếu của thông điệp mà các nước ASEAN gửi đến Liên hiệp châu âu và Hoa Kỳ. Các nước này yêu cầu phải trrừng phạt những tướng lãnh trong tập đòan quân sự Miến Điện.

Vấn đề nhân quyền sẽ vẫn gặp phải những khó khăn. Dù ASEAN cam kết thúc đẩy các quyền tự do căn bản, nhưng bản Hiến chương được các thành viên ký kết chỉ nhắc đến việc thành lập một ủy ban không rõ ràng. Các quyền hạn và phương thức vận hành của ủy ban này vẫn chưa được xác định. Điểm duy nhất có giá trị là lần đầu tiên trong 40 năm qua, văn kiện trên đã xác định được khung pháp lý cho phép ASEAN tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế. Trên giấy trắng mực đen ghi như vậy, nhưng theo quy định của hiệp hội thì để làm được việc đó vẫn phải có sự đồng thuận trước giữa các nước với nhau.

Ngoài ra để cho bản Hiến chương trở thành một dạng Hiến pháp nhỏ thì nó phải được cả 10 nước nước thành viên nhất loạt phê chuẩn.

Trước kết quả như trên, Hội nghị ASEAN lần thứ 13 này đang phải hứng chịu búa rìu công luận. Báo The Nation viết tiếp, xin trích: Quả là đáng buồn khi toàn khối ASEAN buộc phải đứng ra bảo vệ cho Miến Điện. Như vậy là ngày nay, cho dù được trang bị một bản Hiến chương, ASEAN vẫn vô vọng, bất lực trong việc hành động đối với một con chiên ghẻ, nhóm từ trong nguyên văn.

Xã luận báo này, xin trích nguyên văn trong kết luận: Không ai có thể cắt nghĩa vì sao ASEAN tiếp tục yểm trợ cho tập đoàn quân phiệt Miến Điện, cho dù đã đến lúc phải loại trừ thành viên mang chứng bệnh ung thư này, hết lời dẫn. Thắc mắc của The Nation được trả lời trong bài báo của Asia Times nêu trên. Theo một nhà ngoại giao Mỹ dấu tên, được báo này trích dẫn: Miến Điện là một cản lực đối với ASEAN. Khối này bị lâm vào thế bí, họ không muốn đẩy Miến Điện ra ngoài và xô nước này vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký tương lai của ASEAN đã gián tiếp thừa nhận với báo Asia Times là « lực bất tòng tâm » khi ông tiết lộ rằng ''Để có thể tiến bước trong tương lai, ASEAN cần có thêm rất nhiều quyền lực và phương tiện''.
Bảo Thạch
(Ảnh Reuters : Lãnh đạo Indonexia, Lào, Malaixia, Philippines, Singapore tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 13, ngày 20/11/2007, ở Singapore)

Không có nhận xét nào: