Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

GIEC: Biến đổi khí hậu gây hậu quả không thể đảo ngược được

17/11/2007_ Các chuyên gia trong Nhóm liên chính phủ về khí hậu, gọi tắt theo tiếng Pháp là GIEC, hôm qua đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới về những hậu quả không thể đảo ngược được của hiện tượng khí hậu biến đổi. Họ đưa ra lời cảnh báo này trong một bản báo cáo được công bố sau một cuộc họp ở Valencia, Tây Ban Nha. Bản báo cáo đã được chính thức thông qua ngày hôm nay, với sự hiện diện của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.

Thật ra, các chuyên gia chỉ tóm lược ba bản cáo cáo mà họ đã công bố từ tháng giêng năm nay, để nhắc lại rằng : hiện tượng khí hậu trái đất nóng lên chính là do con người gây ra, nhiệt độ đến năm 2100 có thể tăng thêm tới 6,4 độ C, so với nhiệt độ vào năm 1900 và như vậy, những đợt nóng bức, những vụ hạn hán, những trận lụt sẽ xảy ra ngày càng nhiều và các cơn bão sẽ ngày càng dữ dội hơn. Ấy là chưa kể do hiện tượng băng tan ở hai cực, mực nước biển sẽ dâng cao, đe doạ nhiều quốc gia.

Điều mà các chuyên gia muốn nhấn mạnh đó là những hậu quả của thay đổi khí hậu sẽ xảy ra bất ngờ và thậm chí không thể đảo ngược được. Chỉ riêng câu này đã gây tranh cãi gay gắt vì một số quốc gia như Hoa Kỳ cho rằng tính từ ''không thể đảo ngược'' là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Nhưng những nước khác, đặc biệt là châu Âu, thì yêu cầu giữ lại tính từ này, vì nó phản ánh đúng thực tế. Chẳng hạn như theo trưởng phái đoàn Pháp Marc Gillet, gấu trắng bị tuyệt chủng sẽ là một hiện tượng không thể đảo ngược. Phái đoàn Mỹ cũng đã đòi bỏ đi câu, ''toàn bộ các quốc gia đều sẽ bị ảnh hưởng'', nhưng bản báo cáo cuối cùng vẫn giữ nguyên câu này.

Để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nhóm GIEC đề nghị phải giảm mạnh khối lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính, đẩy mạnh việc sử dụng các nhiên liệu tái sinh. Theo họ, năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò ngày càng lớn.

Bản báo cáo của nhóm GIEC thông qua tại Valencia sẽ được dùng làm cơ sở để thảo luận tại hội nghị Liên hiệp quốc các bộ trưởng Môi trường sẽ diễn ra từ ngày 3 tháng 12 ở Bali, Indonesia. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế sẽ thương lượng một văn kiện thay thế cho nghị định thư Kyoto, sẽ hết hạn vào năm 2012. Nghị định thư Kyoto buộc 36 quốc gia công nghiệp phát triển đến năm 2008-2012 phải giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính ít nhất 5% so với mức của năm 1990. Nghị định thư mới có tham vọng sẽ bao gồm những quốc gia không nằm trong nghị định thư Kyoto, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nước phát ra nhiều nhất các chất khí gây hiệu ứng lồng kính.

Theo nhận định của một đại diện của Quỹ thế giới về thiên nhiên, sau hội nghị ở Valencia, kể từ nay quả banh nằm bên sân của các lãnh đạo chính trị. Trên tờ nhật báo International Herald Tribune số ra ngày hôm nay, tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi phải thi hành những biện pháp khẩn cấp để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, bởi vì theo ông, thế giới đang ''đứng bên bờ vực của thảm họa''. Hôm nay, tại Vanlencia, ông Ban Ki-moon thể hiện quyết tâm của ông khi nói rằng : ''Chúng ta không thể rời khỏi hội nghị Bali mà không đạt được một bước đột phá nào tiến đến một thoả thuận chung giữa toàn bộ các quốc gia''.
Thanh Phương
(Ảnh : www.actualites-news-environnement.com)

Không có nhận xét nào: