18/11/2007_ Ngày 13 tháng 9 vừa qua, khi đặc sứ Liên hiệp quốc, ông Ibrahim Gambari thừa nhận tại New York những tiến bộ của chính quyền Miến Điện trong việc đối thoại với đối lập, thì cùng lúc, tại Yangoon và các thành phố khác của nước này, các vụ đàn áp bắt giam đối lập vẫn tiếp diễn.
Xin nhắc lại là cùng ngày hôm đó, bà Su Su Nway, một phụ nữ trẻ hoạt động công đoàn, đã bị sa lưới cảnh sát sau nhiều tuần lễ rút vào vùng bí mật. Trước đó vài ngày, gương mặt nổi bật của phong trào biểu tình, nhà sư U Gambira, lãnh đạo tổ chức Liên minh các tu sĩ phật giáo Miến Điện cũng đã bị bắt giam. Chẳng những vậy, người cha và người em của nhà sư U Gambira cũng phải ngồi tù. Thường xuyên, không thiếu các nhân chứng tại Yangoon nhìn thấy các vụ bắt bớ thanh niên rải truyền đơn chống đối chính quyền.
Do đó, các lời xoa dịu chính quyền Miến Điện của đặc sứ Liên hiệp quốc, xin trích : yêu cầu thêm thời gian để cho các nỗ lực ngoại giao có thể thành công, hết lời dẫn, là điều trớ trêu, không phù hợp với thực trạng của Miến điện. Chỉ vài ngày sau báo cáo của ông Ibrahim Gambari trước Hội đồng Bảo an, đến lượt một nhà điều tra cũng của Liên hiệp quốc, ông Paolo Sergio Pinheiro, đã không được phép tiếp xúc với bà Aung San Suu Kyi , khi ông viếng thăm Miến Điện.
Điều tai hại là các tuyên bố của ông Ibrahim Gambari, đặc sứ Liên hiệp quốc, có thể củng cố thêm cho lập trường các lãnh đạo Miến Điện, mà sở trường là xỏ mũi Liên hiệp quốc. Tờ báo trên mạng, Atimes.com đã điểm lại, từ 17 năm qua, không biết bao nhiêu là cuộc viếng thăm Miến Điện của nhiều vị đặc sứ Liên hiệp quốc, mà chưa ai thành công thuyết phục chính quyền dân chủ hóa. Từ bà Sadako Ogata, Cao ủy tỵ nạn lúc trước cho đến ông Ibrahim Gambari ngày nay, hàng loạt đại diện Liên hệp quốc đã đến gõ cửa tập đoàn quân sự để mong hé mở ra triển vọng đối thoại. Nhưng với nhiều thủ đoạn, lúc thắt chặt, lúc nới lỏng, chính quyền Miến Điện chỉ thỏa hiệp nửa vời, vừa đủ các yêu sách của Liên hiệp quốc để tìm thời gian, thoát khỏi áp lực quốc tế, khi quá bức bách. Bằng chứng là bà Aung San Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia.
Hôm nay, khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Singapore, sự hiện diện của Miến điện là điều gây khó chịu cho nhiều thành viên Hiệp hội Đông Nam Á, ta có thể dự đoán nhiều lời tuyên bố sẽ đưọc tung ra, để cuối cùng, cũng như đối với Liên hiệp quốc, Miến Điện sẽ có màn ảo thuật để thuyết phục ASEAN rằng điều cấp bách là không nên hàng động, nói chi đến trừng phạt. Cùng lắm, các vị tướng Miến điện hứa hẹn ngày mai sẽ mở đối thoại. ASEAN đã thường xuyên nghe đại diện Miến Điện cam kết : Bà Aung san Suu Kyi sẽ được trả tự do trong những ngày sắp tới. Nhưng mọi việc vẫn như cũ và cánh cửa dân chủ hóa vẫn im ỉm khóa.
Bảo Thạch
(Ảnh ww.oem.com.mx : Đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari và giới tướng lãnh cầm quyền Miến điện trong gặp hồi tháng 10 vừa qua tại thủ đô mới Naypyidaw)
Bảo Thạch
(Ảnh ww.oem.com.mx : Đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari và giới tướng lãnh cầm quyền Miến điện trong gặp hồi tháng 10 vừa qua tại thủ đô mới Naypyidaw)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét