Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

Môi trường: Ô nhiễm đáng báo động tại Hà nội và Sài gòn

26/11/2007_ Tình trạng ô nhiễm đáng báo động tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đòi hỏi biện pháp xử lý khẩn cấp. Trọng Nghĩa biên soạn cùng với chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc.

«Báo động về ô nhiễm môi trường tại TP Hồ Chí Minh», «Các khu dân cư thở khói công nghiệp, ngửi cống thối», «Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ô nhiễm không khí nặng nề»... Một vài hàng tựa đăng trên các tờ báo xuất bản tại Việt Nam trong thời gian gần đây nêu bật một thực tế mà cư dân các thành phố lớn tại Việt Nam đang phải chịu đựng.


Hạ tuần tháng 10 vừa qua, các cơ quan môi trường Liên hiệp quốc cũng ghi nhận là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuộc diện có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, chẳng kém gì các đại đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải ở Trung Quốc, hay Dakkha ở Bangladesh hoặc New Delhi ở Ấn Độ.

Theo bản phúc trình về Tổng quan Môi trường Toàn cầu GEO 4 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP, TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, đứng hàng thứ năm trong số các thành phố châu Á bị nồng độ bụi li ti cao nhất châu lục, hơn gấp bội mức cho phép do Tổ chức Y tế Thế giới quy định. Theo UNEP, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí rất đa dạng, từ việc sử dụng năng lượng ngày càng nhiều cho đến việc mật độ dân số trong các đô thị ngày càng gia tăng. Yếu tố gây ô nhiễm nặng nhất, theo UNEP, là sự bùng nổ của lượng xe gắn máy lưu hành.

Ô nhiễm không khí không chỉ gây khó chịu cho cư dân mà còn là nguồn gốc nhiều loại bệnh tật như ung thư, hô hấp, tim mạch.

Tình hình ô nhiễm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như vậy đã lên đến mức đáng báo động, đòi hỏi các cấp có trách nhiệm phải nhanh chóng có biện pháp đối phó. Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia môi trường tại Úc, một người thường xuyên quan tâm đến tình hình ô nhiễm không khí tại Việt Nam thì một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện vấn đề lưu thông.

Trả lời câu hỏi của Ban Việt ngữ RFI , anh Hiệp cho rằng tình hình ô nhiễm tại hai thành phố lớn ở Việt Nam hiện đã trở thành nguy hiểm và cần phải cấp tốc tìm biện pháp đánh vào nguyên nhân là vấn đề giao thông chuyên chở.

«Trong mấy năm vừa rồi độ ô nhiễm ở TP HCM và Hà Nội lên rất cao. Chiều hướng rất xấu. Xem xét lại thì ô nhiễm ở hai thành phố trên là do xe cộ nhất là xe gắn máy, do đó phải có chính sách giảm số lượng xe cộ và gia tăng chuyên chở công cộng».

Tại châu Á, có hai thành phố là Bangkok và Đài Bắc trước đây thường xuyên bị liệt vào diện bị ô nhiễm nghiêm trọng do xe cộ lưu thông. Thế nhưng, nhờ quyết tâm phát triển ngành chuyên chở công cộng trong thời gian gần đây, tình hình thủ đô Thái Lan và Đài Loan đã cải thiện rõ nét. Theo anh Hiệp, đó là những thí dụ mà Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần học tập.

«Bangkok, cách đây 5 năm thôi là một thành phố ô nhiễm rất lớn, nhưng một hai năm nay, một báo cáo rất quan trọng của Liên Hiệp Quốc cho thấy là ở Bangkok, ô nhiễm đã đi xuống. Đây là một thành công rất lớn. Thái Lan, nhất là Bangkok, đã thi hành biện pháp nâng cao chuyên chở công cộng, nhất là xe lửa trên mặt đất và xe lửa dưới mặt đất. Nhờ vậy, số lượng xe cộ lúc peak hours, tức là thời điểm cao nhất đã giảm rất nhiều và mực độ bụi ở Bangkok đã xuống. Đây là một bài học có thể áp dụng ở Việt Nam, đó là phải nâng cao đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nhất là chuyên chở công cộng ở hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một thí dụ khác để so sánh ở Á châu là Đài Bắc. Cách đây 10 năm, Đài Bắc cũng giống như TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm về bụi và nồng độ về ozone và các chất thải khác rất cao. Nhưng từ khi thực hiện được hệ thống metro ngầm, Đài Bắc đã trở lại một thành phố khá sạch so với nhiều nước Đông Nam Á hiện nay. Đây cũng là một bài học thứ hai mà tôi nghĩ là hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh nên áp dụng ».

Chính quyền hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ nhu cầu phát triển các phương tiện chuyên chở công cộng. Xe buýt đã bắt đầu được sử dụng nhiều hơn trong lúc một số đề án xây dựng các tuyến xe điện bắt đầu được xúc tiến. Theo anh Hiệp, trong khi chờ đợi hệ thống xe điện ra đời, trước mắt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần phải có biện pháp cụ thể nhằm hạn chế việc xe cộ thải ra quá nhiều khí gây ô nhiễm.

«Trưóc khi làm được những cơ sở hạ tầng về chuyên chở công cộng và xe lửa, có thể có những biện pháp khả thi, thực hiện được ở cả hai thành phố để giảm bớt nồng độ ô nhiễm, như chính sách về nhiên liệu, chính sách về chuyên chở công cộng, có lằn riêng cho xe buýt đi và một vài chính sách về xe cộ, nhất là về xe gắn máy ở thành phố. Nếu mà làm được như vậy thì cũng có thể giảm được độ ô nhiễm rất nhiều.

Hiện nay thì chuyên chở công cộng xe buýt ở TP Hồ Chí Minh theo tôi biết thì khá tốt, nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Thứ hai nữa là nên có những chính sách như là nâng cao sử dụng xe chuyên chở công cộng như xe buýt ; nhiều thành phố nhiều nưóc có chính sách như có lằn riêng cho xe buýt chạy, để khuyến khích người ta dùng chuyên chở công cộng, tại vì có cái lằn riêng như vậy thì chuyển chở đi nhanh nhiều hơn, đúng giờ và không bị kẹt. Thành phố mà bị kẹt xe vào những giờ cao điểm, như vậy là xe buýt, chuyên chở công cộng không đáp ứng được nhu cầu. Nhưng nếu làm được chuyện đó thì sẽ cải tiến được nhu cầu về hạ tầng. Đưòng xá Việt Nam hiện hay bị ùn tắc và kẹt xe rất nặng, làm ô nhiễm trầm trọng thêm».

Mặt khác, một trong những biện pháp cụ thể khả thi, theo anh Nguyễn Đức Hiệp, là chú ý phát huy các loại nhiên liệu ít gây ô nhiễm.

«Về vấn đề nhiên liệu cho chuyên chở ở thành phố, có thể nâng cao chất lượng nhiên liệu và có thể dùng xe buýt chạy bằng ga chẳng hạn, giúp giảm đi rất nhiều nồng độ ô nhiễm của thành phố. Hiện nay thì hình như xăng không chì cũng đã áp dụng ở Việt Nam và mực độ sulfure xăng tiêu chuẩn vẫn còn thấp so với một vài nước. Nếu chúng ta áp dụng tiêu chuẩn cao hơn thì có thể giảm đưọc một số chất thải, nhất là những chất độc hại như benzene có thể làm ung thư. Nếu chính sách nhiên liệu cộng với chính sách thực hiện kiểm soát xe cộ và đúng theo tiêu chuẩn thì có thể giảm được ô nhiễm rất nhiều. Nhưng cái này phải được giải quyết một cách đồng bộ, ở cả hai thành phố và nhiều nơi khác tại Việt Nam. Hiện nay thì chưa có chính sách chung và sự thực hiện chính sách khá khó khăn đối với một số thành phố, vì vậy mà họ đã bỏ cách đây một hai năm. Không phải bỏ hẳn, nhưng không có đeo đuổi, thực hiện nghiêm chỉnh hơn».

Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, vấn đề han chế xe cộ lưu thông trong thành phố kiểm tra chất lượng khí thải ra từng được nêu lên. Thế nhưng tiếc là các giải pháp này trong thời gian qua không được thực hiện đến nơi đến chốn.

«Cách đây một vài năm, nhất là TP Hồ Chí Minh, cũng có chính sách kiểm soát rất nhiều và rất gắt gao sự phun khói xe và mực độ phải đúng tiêu chuẩn để đăng ký được xe. Nhưng mà sự thực hiện đã không thành công. Có rất nhiều lý do chủ quan và khách quan. Nhưng mà nếu có chính sách đồng bộ thì tất cả những xe không đủ tiêu chuẩn có thể bị thải hoặc là có chế độ bắt phải sửa chữa hoặc là có hình thức phạt nặng hơn. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp này chưa được thực hiện. Chính sách đó rất quan trọng. Ngoài việc giảm số lượng xe lưu thông, chính sách thay thế lượng xe gây rất nhiều ô nhiễm cũng là một biện pháp rất quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở hai thành phố».

Vấn đề ô nhiễm không khí cần phải được giải quyết nhanh chóng, không chỉ vì tác hại đối với sức khỏe con người, cảnh quan thành phố, mà còn vì ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế.
Trọng Nghĩa

(Ảnh: www.laodong.com.vn)

Không có nhận xét nào: