20/11/2007_ Sau khi ghé Ryad- Ả rập Xê út- tham gia hội nghị thượng đỉnh khối OPEC, rồi thăm viếng chính thức Iran, tổng thống Venezuela đã công du Pháp trong hai ngày, 19 và 20/11/2007. Nhân dịp này, Carracas bầy tỏ mong muốn là Pháp trở thành đối tác đầu tư số một tại Venezuela. Lãnh vực thu hút ngoại quốc nhiều nhất lẽ dĩ nhiên là dầu hỏa, một yếu tố đã được đương kim tổng thống Chavez biến thành vũ khí ngoại giao.
Với giá dầu hỏa tăng vọt trên thị trường quốc tế, xấp xỉ 100 đô la một thùng, trong lúc có tin cho rằng mức khai thác dầu hỏa trên thế giới đã vượt qua ngưỡng cao nhất có thể đạt tới, còn nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục gia tăng, các nước sản xuất dầu khí lớn mặc nhiên dành được một vị thế quan trọng.
Với giá dầu hỏa tăng vọt trên thị trường quốc tế, xấp xỉ 100 đô la một thùng, trong lúc có tin cho rằng mức khai thác dầu hỏa trên thế giới đã vượt qua ngưỡng cao nhất có thể đạt tới, còn nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục gia tăng, các nước sản xuất dầu khí lớn mặc nhiên dành được một vị thế quan trọng.
Nước Venezuela tại châu Mỹ La tinh nằm trong trường hợp này. Từ ngày nhậm chức tổng thống Venezuela lần đầu tiên vào đầu năm 1999 đến nay, ông Hugo Chavez đã biết lợi dụng vũ khí năng lượng để nâng cao vai trò của nước này trên chính trường quốc tế.
Phải nói là ông Hugo Chavez đã tương đối thành công. Sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng cao nhất là quyết định của Venezuela rút ra khỏi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB vào đầu tháng 5 vừa qua. Theo quan điểm của tổng thống Chavez, tình trạng chênh lệch giàu nghèo rất lớn ở nước ông bắt nguồn từ việc Venezuela từng phải áp dụng các biện pháp cải tổ kinh tế theo xu hướng tự do thái quá do hai định chế tài chánh quốc tế này áp đặt.
Sở dĩ Venezuela dễ dàng thoát khỏi vòng kềm tỏa của IMF và WB, đó là vì nhờ lợi tức thu được từ dầu hỏa và nước này đã có thể thanh toán ngay các món nợ đối với cả hai định chế.
Ngoài ra, nhờ lợi thế dầu hỏa, Venezuela còn đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia phương nam, đặc biệt là trong vùng châu Mỹ La tinh nhằm khuyến khích các nước này tách rời khỏi quỹ đạo của Mỹ. Một cách cụ thể, tổng thống Chavez đã chủ trương thành lập khối hợp tác gọi là ALBA, nhằm hội nhập các nước châu Mỹ về mặt kinh tế, xã hội và quân sự. Sáng kiến này có dụng ý chống lại kế hoạch thiết lập Khu vực Tự do Mậu dịch toàn châu Mỹ AAFTA do Hoa Kỳ bảo trợ.
Sáng kiến của Venezuela hiện mới thu hút được ba nước: Cuba, Nicaragua và Bolivia, thông qua cơ chế Hiệp định Thương Mại Nhân dân PTA, được xem là tiền thân của ALBA.
Chính sách ngoại giao dầu hỏa của tổng thống Chavez còn thể hiện qua hàng loạt hiệp định hợp tác với các nước khác ngoài khu vực, kể cả tại châu Á như Trung quốc, Ân độ, Việt nam.
Đối với Việt nam chẳng hạn, tập đoàn dầu hỏa nhà nước Venezuela PDVSA đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Petrovietnam để khai thác một mỏ dầu tại Venezuela, trong lúc tổng thống Chavez cho biết sẵn sàng đầu tư vào lãnh vực lọc dầu tại Việt nam.
Điều nghịch lý là mặc dù tổng thống Venezuela không bao giờ che giấu luận điểm chống Mỹ, chống chủ nghĩa kinh tế tân tự do, Hoa kỳ lại là nguồn cung cấp tài chánh cho Venezuela thực hiện chính sách ngoại giao dầu hỏa đó. Thật vậy, cho đến nay, Mỹ là bạn hàng chủ chốt mua dầu hoả của Venezuela, với cả triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Chỉ cần Washington đình chỉ việc mua dầu hỏa của Carracas là nguồn lợi tức của Venezuela bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế của chính mình, Hoa kỳ trước mắt vẫn tiếp tục mua dầu hỏa của Venezuela, cho dù đang nỗ lực tìm nguồn thay thế. Thực tế trên đây nêu bật một chỗ yếu trong chính sách ngoaị giao dầu hỏa của ông Chavez, điều mà tổng thống Venezuela đang tìm cách bổ khuyết bằng cách tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác ngoài Hoa kỳ.
Trọng Nghĩa
(Ảnh Reuters : Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại Hội nghị thượng đỉnh OPEC lần thứ 3 ở Ryad, 19-20/11/2007)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét