31/10/2007_ Trường hợp của Thái Lan minh họa cho chính sách 2 mặt của ASEAN đối với Miến Điện : chỉ trích ngoài mặt nước này nhưng tiếp tục duy trì quan hệ mậu dịch, củng cố quyền lực của tập đoàn quân sự.
Lời nói chưa đi đôi với việc làm : các chính phủ ASEAN muốn bảo vệ quyền lợi của mình trong việc buôn bán vớI Miến Điện. Thế nhưng, trước áp lực của công luận thế giới, họ buộc phải lên tiếng phê phán đợt đàn áp đối lập do chính quyền nước này tiến hành.
Trường hợp của Thái Lan thể hiện rõ lập trường nước đôi kể trên.
Lời nói chưa đi đôi với việc làm : các chính phủ ASEAN muốn bảo vệ quyền lợi của mình trong việc buôn bán vớI Miến Điện. Thế nhưng, trước áp lực của công luận thế giới, họ buộc phải lên tiếng phê phán đợt đàn áp đối lập do chính quyền nước này tiến hành.
Trường hợp của Thái Lan thể hiện rõ lập trường nước đôi kể trên.
Là quốc gia giáp ranh vớI Miến Điện, Thái Lan trong nhiều năm qua, cạnh tranh ráo riết với Trung Quốc, Singapo, Ấn Độ để giành các hợp đồng kinh tế, đặc biệt là trong điạ hạt năng lượng. Quan hệ giưã Bangkok và các tướng lãnh cầm quyền Miến Điện được xem là hữu hảo với kết quả là trong năm qua, Thái Lan là một trong các nước đầu tư nhiều nhất vào Miến Điện, sau Trung Quốc.
Xin đơn cử một ví dụ cho thấy quyền lợi thiết thân của Bangkok trong việc làm ăn với quốc gia láng giềng này.
Trong khi nhu cầu năng lượng của Thái Lan không ngừng gia tăng, Miến Điện hiện nay là nguồn cung ứng 25% tổng sản lượng khí đốt cần thiết cho Thái Lan. Đổi lại, chỉ riêng một việc bán khí đốt cho Bangkok đã cho phép các tuớng lãnh Miến Điện bảo đảm hàng trăm triệu đô la thu nhập mỗi tháng.
Bên cạnh đó, Thái Lan còn đang xây dựng nhiều đập thủy điện tại Miến Điện để có thể mua lại nguồn năng lượng này trong tương lai. Các mối lợi quan trọng này cho phép khẳng định Bangkok không thể ủng hộ giải pháp trừng phạt Miến Điện.
Thật ra, Bangkok rất e ngại chính sách đối đầu của nhiều nước phương Tây sẽ gây khó khăn cho doanh nhân của họ làm ăn buôn bán với Miến Điện và nền kinh tế Thái lan sẽ bị tổn hại.
Do đó mà một mặt Thái Lan không tích cực lên án các lãnh đạo Miến Điện. Nhưng trước áp lực của cộng đồng quốc tế, Bangkok cũng không thể giữ im lặng.
Thủ tướng Thái lan Surayud Chulanond đã đề nghị, vào giữa tháng qua, thành lập một nhóm các nước bao gồm ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ để cùng với Liên Hiệp Quốc đối thoại với Miến Điện . Đây là một cơ chế dựa theo mô hình đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Triều tiên. Tiếng nói yếu ớt cuả Bangkok không che dấu nổi quan niệm cố hữu cho rằng tập đoàn quân phiệt Rangoon sẽ tồn tại lâu dài, cho nên điều cần thiết là án binh bất động.
Bởi vậy mà đằng sau các lời nói suông, Thái Lan cũng như nhiều nước thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á, trong thực tế vẫn chủ trương tiếp tục đối tác tranh thủ, tránh đối đầu với các tướng lãnh Miến Điện cho dù bàn tay các vị này đã bị vấy máu các nhà sư.
Dưới chiêu bài nếu chế độ quân phiệt sụp đổ thì Miến Điện bất ổn nghiêm trọng như Tổng thư ký Hiệp hội Đông Nam Á, ông Ong Keng Yong, đã nói, ASEAN thiếu vắng hẳn một đối sách, khả dĩ có thể ngăn chặn các vụ bạo hành dã man diễn ra ngay trước ngõ của mình.
Bảo Thạch
(Ảnh www.myanmar.com: Lễ đón tướng Thái lan Sonthi Boonyaratglin tại sân bay Miến điện Nay Pyi Taw, ngày 11 tháng 9 năm 2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét