Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2007

Kinh tế thế giới : lo ngại vì giá dầu tăng cao.

03/11/2007_ Dầu hỏa và đồng euro tiếp tục đà tăng giá, gây lo ngại cho nền kinh tế thế giới.

Hôm qua, giá dầu hỏa trên thế giới lại phá kỷ lục, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 92 đôla một thùng ở thị trường Luân Đôn, trong khi tại thị trường New York, giá dầu đã tăng đến gần mức cao nhất trong lịch sử, cụ thể là gần đạt mức kỷ lục tuyệt đối 96,24 đôla một thùng được xác lập ngày 31.10. Nói chung là tính từ ngày 11 tháng 10, giá của loại nhiên liệu, mà người ta gọi là vàng đen, đã tăng thêm khoảng 12 đôla ở New York cũng như ở Luân Đôn. Đa số các nhà phân tích nay đều dự đoán là chẳng bao lâu nữa giá dầu sẽ vượt qua ngưỡng 100 đôla một thùng.

Nguyên nhân đầu tiên khiến giá dầu tiếp tục tăng như vậy, trước hết đó là người ta lo ngại mức cung sẽ không đáp ứng đủ vào lúc mùa đông đang đến gần khiến mức cầu gia tăng, nhất là tại những quốc gia đang phát triển mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ. Bằng chứng là tại Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới, kho dự trữ dầu hỏa trong tuần trước đã sụt gần 4 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích đã chờ đợi là kho dự trữ dầu của Mỹ sẽ tăng. Kho dự trữ dầu của châu Âu cũng bị sụt như Hoa Kỳ. Mặc dù các quốc gia tiêu thụ vẫn khẩn thiết kêu gọi, Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa OPEP, vẫn không muốn cung cấp cho thị trường nhiều hơn mức 500 ngàn thùng mỗi ngày. Thật ra thì các công ty dầu hỏa nay rất khó mà duy trì nhịp độ sản xuất trong bối cảnh chi phí khai thác ngày càng tăng và các mỏ dầu ngày càng cạn kiệt.

Bên cạnh đó, sự tăng giá liên tục của đồng euro cũng là một yếu tố đáng kể góp phần khiến giá dầu leo thang. Trên các thị trường hối đoái hôm qua, đồng euro lại lập một kỷ lục mới, với một euro đổi được 1,4528 đôla. Đồng đôla càng bị suy yếu thì dầu hỏa lại càng trở thành mặt hàng hấp dẫn đối với những nhà đầu tư sử dụng các ngoại tệ khác, bởi vì trên các thị trường thế giới, giá bán của dầu thô được tính bằng đôla. Các nhà đầu tư đua nhau bỏ tiền mua dầu hỏa thì giá dầu tăng là chuyện đương nhiên.

Cuối cùng, còn phải kể đến những yếu tố địa lý chính trị, cụ thể là khả năng Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào miền Bắc Irak, áp lực của Hoa Kỳ đối với Iran trên vấn đề hạt nhân, cũng như những vụ bạo động ở Nigeria, quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng đầu ở châu Phi.

Đôla suy yếu, euro tăng vọt, giá dầu leo thang, cả ba yếu tố hợp lại đang gây lo ngại cho các nhà kinh tế. Đối với các nước châu Âu, nhờ đồng euro mạnh nên chi tiêu về năng lượng giảm bớt, nhưng đồng euro quá cao sẽ gây tác hại cho xuất khẩu và như vậy có nguy cơ bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Đối với Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ một phần tư lượng dầu hỏa trên thế giới, giá dầu tăng cao sẽ đè nặng lên một nền kinh tế vốn đã bị suy yếu vì khủng hoảng tín dụng địa ốc. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia có mức tăng trưởng trên 10%, nay cũng bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng của dầu hỏa đắt đỏ. Vốn vẫn duy trì chính sách trợ giá nhiên liệu, chính phủ Bắc Kinh hôm thứ năm đã buộc phải tăng 8% giá dầu hỏa trong nước.
Thanh Phương

Không có nhận xét nào: