Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

TRUNG QUỐC: Thoáng hơn về thông tin động đất ở Tứ Xuyên

17/05/2008_ Một trong những sự kiện gây ngạc nhiên cho công luận quốc tế là sau trận động đất xẩy ra ngày 12/05 vừa qua, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã đưa tin nhiều và đa dạng. Các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài không bị cản trở khi tác nghiệp. Theo giới quan sát, đây là điều hiếm thấy tại một quốc gia nổi tiếng trong việc bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, thẳng tay bỏ tù nhà báo.

Từ hôm thứ hai đến nay, vô tuyến truyền hình và báo chí Trung Quốc tràn ngập hình ảnh các ngôi làng bị tàn phá, các gia đình tang tóc, các đội cứu trợ làm việc ngày đêm, đông đảo người dân đổ xô đi hiến máu v.v. Trên các trang internet, thông tin và hình ảnh còn phong phú hơn. Ngoài những lời kêu gọi tình liên đới, còn có rất nhiều các bài chỉ trích sự yếu kém, chậm trễ của lực lượng cứu hộ, khó khăn của các nạn nhân.

Bình thường ra, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc vẫn im lặng hoặc đưa tin nhỏ giọt, nói chung chung, khi xẩy ra các thiên tai thảm hoạ. Như vụ động đất tại thành phố Đường Sơn, năm 1976, làm gần 75 ngàn người thiệt mạng. Hay vụ che dấu thông tin về dịch viêm phổi cấp tính không điển hình, SARS, năm 2003. Vụ gây ngộ độc hoá học trên sông Tùng Hoa, năm 2005, làm cho 9 triệu dân của thành phố Cáp Nhĩ Tân không có nước dùng trong vòng một tuần. Gần đây nhất là việc kiểm duyệt thông tin về các vụ đàn áp người Tây Tạng biểu tình. Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hiện có tới 64 người sử dụng internet để đưa tin viết bài và 32 nhà báo Trung Quốc đang bị đang bị cầm tù.

Ngay sau trận động đất ở Tứ Xuyên, gần như là theo phản xạ, ban Tuyên huấn Trung ương của đảng Cộng sản đã ra lệnh cho các cơ quan truyền thông không được cử các nhà báo, phóng viên đến nơi có thiên tai. Báo chí chỉ được phép khai thác thông tin do Tân Hoa xã và Đài truyền hình Trung ương cung cấp. Thế nhưng, chẳng một ai quan tâm đến chỉ thị này. Qua internet và điện thoại di động, thông tin về mức độ thảm họa, về những người được cứu sống, về những hoạt động cứu trợ không hiệu quả, đã lan truyền nhanh và rộng, bộ máy kiểm duyệt tỏ ra bất lực. Theo các nhà phân tích, chính quyền Trung Quốc hiểu được ngay tầm quan trọng của thông tin và chỉ 90 phút sau khi xẩy ra động đất, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có mặt tại hiện trường. Theo sau ông là khoảng 50 ngàn bộ đội, nhân viên cứu hộ và đông đảo nhà báo Trung Quốc và nước ngoài. Song song với những hình ảnh tuyên truyền và ca ngợi các hoạt động chuẩn bị cho Thế Vận hội, người tay thấy trên trang nhất các tờ báo, phần mở đầu các bản tin hình ảnh Thủ tướng Trung Quốc, xắn quần lên tới đầu gối, xông xáo đi khắp nơi, bất chấp hiểm nguy, động viên, an ủi, chia sẻ nỗi buồn với gia đình các nạn nhân, kêu gọi lực lượng cứu trợ hãy cố gắng hơn nữa. Chỉ một ngày sau thảm họa, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nhận ra ngay hai điều. Trước hết, vụ động đất là cơ hội bằng vàng để quảng bá các khía cạnh tích cực của chính quyền và điều thứ hai, nếu có muốn, họ cũng không thể ngăn cản, bịt kín thông tin. Nói một cách khác, chính quyền Trung Quốc hiểu được rằng, xin trích tờ Nhân dân nhật báo, « chỉ có thể ngăn chặn được tin đồn, gây hoảng loạn khi có thông tin, có mở cửa và minh bạch ».

Theo ông David Bandurski, chuyên gia nghiên cứu về truyền thông thuộc đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, bầu không khí chung trong việc đưa tin vụ động đất ở Tứ Xuyên là tương đối cởi mở. Phải chăng đây là một tia hy vọng cho quyền tự do báo tại Trung Quốc ? Giới quan sát tỏ ra thận trọng, bởi vì trong một hai ngày tới, nỗi tức giận của nguời dân có thể sẽ bùng phát, khi các hoạt động tìm kiếm chấm dứt và nhường chỗ cho công việc san bằng các nơi đổ nát và vùi lấp xác nạn nhân. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của báo chí sẽ không có lợi cho chính quyền.
Đức Tâm
(Ảnh : www.lactualite.com)

Không có nhận xét nào: