08/05/2008_ Đỉnh điểm chuyến công du Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc, từ mồng 6 đến mồng 10 tháng năm, là ngày hôm qua, với Hội nghị Thượng đỉnh song phương và hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda. Đây là lần đầu tiên, kể từ 10 năm qua, một lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tới thăm Nhật Bản. Theo giới phân tích, chuyến đi này mang tính biểu tượng cao, thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ song phương, nhưng lãnh đạo Trung-Nhật không đưa ra được những giải pháp cụ thể nào cho những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước.
Trong cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết là hai nưóc sẽ cùng phối hợp làm việc với nhau trên nhiều hồ sơ quốc tế và song phương như phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, chống hiện tượng thay đổi khí hậu trên trái đất, tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Đông Trung Hoa. Bắc Kinh và Tokyo cũng thoả thuận sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hàng năm, nhấn mạnh đến những khía cạnh tích cực trong quan hệ giữa hai nước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đối tác, như Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới còn Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới v.v.
Trước khi ông Fukuda làm thủ tướng, hồi tháng 9 năm ngoái, quan hệ chính trị Nhật-Trung đã có lúc xuống tới mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Do vậy, theo ông Shinji Kojima, giáo sư chuyên về lịch sử Trung Quốc tại trường đại học Tokyo, được AP trích dẫn, thì chuyến công du Nhật Bản của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho thấy Bắc Kinh không chỉ thừa nhận Tokyo là đối tác thương mại kinh tế quan trọng hàng đầu trong khu vực mà Trung Quốc còn không muốn bang giao song phương xấu đi. Trong khi đó, Nhật Bản lại rất quan tâm đến việc bảo đảm duy trì và phát triển quan hệ với Trung Quốc, nước đang có một nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ. Hơn nữa, theo phân tích của giáo sư Joseph Cheng, thuộc City University ở Hồng Kông, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh hiểu rằng điểm yếu nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những thập niên qua là môí quan hệ với Nhật Bản. Sự tồi tệ trong bang giao Bắc Kinh-Tokyo sẽ càng thúc đẩy Nhật Bản thắt chặt hơn quan hệ với Hoa Kỳ, kể cả về an ninh và điều này có hại cho lợi ích của Trung Quốc.
Thế nhưng, chuyến đi Tokyo lần này của ông Hồ Cẩm Đào mới chỉ là bước khởi đầu. Trung Quốc và Nhật Bản còn nhiều việc phải làm để có thể cải thiện thực sự quan hệ song phương. Về mặt địa lý chính trị, hai nước vẫn ở hai phe đối lập nhau trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương. Nhật Bản là đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ và khoảng 50 ngàn lính Mỹ vẫn đóng quân trên xứ hoa anh đào. Tư tưởng chống Nhật tại Trung Quốc cũng như tình cảm bài Trung tại Nhật Bản vẫn âm ỉ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vào năm 2005, đã xẩy ra một làn sóng chống Nhật tại Trung Quốc sau khi chính quyền Tokyo không sám hối về việc quân đội Nhật hoàng chiếm đóng Trung Quốc trong những năm 30-40 của thế kỷ trước. Về phần mình, Nhật Bản vẫn lo ngại theo dõi sát sao sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về mặt kinh tế, ngoại giao và sức mạnh quân sự.
Cuộc viếng thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc lần này cũng không đưa ra được một giải pháp cụ thể cho những bất đồng giữa hai nước. Mặc dù đã trải qua hơn một chục vòng đàm phán, nhưng cho đến nay, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa đạt được thỏa thuận về hồ sơ chủ quyền và khai thác tài nguyên ở vùng biển gần quần đảo Senkaku – Điều ngư, nơi có trữ lượng lớn về khí đốt. Tờ Ashahi Shimbun, số ra ngày hôm nay, có thái độ rất thực tế khi nhận định rằng điều quan trọng là phải xem liệu các lời lẽ tốt đẹp có được biến thành những biện pháp thực sự hay không. Nếu nhìn vào các vấn đề giữa hai nước thì việc giải quyết không hề dễ dàng chút nào.
Đức Tâm
(Ảnh : Xinhua : Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, bên trái và Thủ tướng Yasuo Fukuda, ngày 07/04/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét