Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

PHÁP : Một năm Sarkozy

06/05/2008_ Chỉ sau một năm cầm quyền, uy tín của Tổng thống Pháp Sarkozy đã sụt giảm mạnh

Cách đây đúng một năm, ngày 6 tháng 5 năm 2007, ông Nicolas Sarkozy, ứng cử viên đảng cánh hữu UMP, đắc cử tổng thống với hơn 53% số phiếu, đánh bại ứng cử viên đảng Xã hội Ségolène Royal. Cử tri lúc ấy đã dồn phiếu cho ông Sarkozy với hy vọng ông sẽ thúc đẩy những cải tổ sâu rộng mà nước Pháp đang rất cần. Trong những tháng đầu tiên sau bầu cử, phong cách lãnh đạo hết sức năng động của tân Tổng thống Sarkozy rất được dân Pháp rất tán thưởng vì tỷ lệ được lòng dân của ông có lúc lên tới 67%. Nhưng chỉ sau một năm cầm quyền, uy tín của ông đã sụt giảm mạnh. Theo kết quả cuộc thăm dò do viện IFOP tiến hành và được đăng trên tờ Paris Match hôm qua, nay chỉ có 42 % dân Pháp hài lòng về Tổng thống Sarkozy. Còn theo kết quả một cuộc thăm dò khác được đăng trên trang web của tuần báo Le Nouvel Observateur, uy tín của ông Sarkozy thậm chí chỉ còn 36%.

Nguyên nhân chính khiến cho uy tín của Tổng thống Sarkozy sụt giảm mạnh như vậy đó là vì ông đã không thực hiện được lời hứa cải thiện sức mua của dân Pháp. Nổi bất mãn này càng gia tăng sau khi trong một cuộc họp báo vào tháng giêng, ông Sarkozy tuyên bố là ông không thể làm gì được vì ngân sách Nhà nước đã trống rỗng. Chính phủ lại càng bất lực bởi vì nước Pháp cũng bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến vật giá leo thang. Pháp cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nước khác trong Liên hiệp châu Âu đang đòi Paris phải kiên quyết giảm thâm thủng ngân sách. Trong điều kiện như vậy, Nhà nước khó mà chi tiêu thoải mái để nâng cao mức sống của người dân. Thật ra, trong một năm qua, chính phủ của Tổng thống Sarkozy đã thực hiện rất nhiều cải tổ về lao động, xã hội, thuế khóa, v.v., Thế nhưng, sai lầm của ông là loan báo quá nhiều cải tổ cùng một lúc, mà không có những lời giải thích mang tính chất thuyết phục về hiệu quả của những cải tổ này. Thêm vào đó, chương trình cải tổ thuế thu nhập do ông Sarkozy đề ra bị cánh tả chỉ trích là chỉ có lợi cho người giàu mà thôi. Một lý do nữa khiến dân Pháp bất bình với Tổng thống Sarkozy, đó là lối sống mang tính phô trương, thích xa hoa và phơi bày đời tư quá nhiều. Nhiều người có cảm tưởng là ông Sarkozy chỉ thích giao du với những người giàu có, nổi tiếng, hơn là quan tâm giải quyết những vấn đề của dân nghèo.

Một lĩnh vực khác cũng khiến người ta thất vọng, đó là nhân quyền. Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống, ông Sakozy đã tuyên bố nhân quyền sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của ông. Nhưng trên thực tế, Tổng thống Pháp bị chỉ trích là đặt quyền lợi kinh tế lên trên nhân quyền trong mối quan hệ với các nước như Nga, Libye hay với các nước châu Phi thuộc điạ của của Pháp. Ngay cả đối với Trung Quốc, tuy ông Sarkozy là vị lãnh đạo phương Tây có lập trường mạnh mẽ nhất trên vấn đề Tây Tạng, nhưng Tổng thống Pháp cũng làm đủ mọi cách để bảo vệ quyền lợi kinh tế của Pháp ở quốc gia có đông dân nhất thế giới này.

Chính vì uy tín của ông Sarkozy sụt giảm mạnh như vậy mà cánh hữu đã bị thua nặng trong cuộc bầu cử điạ phương tháng ba vừa qua. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, Tổng thống Pháp sẽ vẫn nhất quyết thực hiện các cải tổ, đặc biệt là cải tổ về chế độ hưu bổng, một vấn đề cực kỳ nan giải tại Pháp. Sở dĩ ông Sarkozy không lùi bước, đó là vì phe đối lập cánh tả không đủ sức để chống cự với cánh hữu. Đảng Xã hội, tức là đảng đối lập chủ chốt, nay đang bị suy yếu do tranh chấp quyền lực trong nội bộ. Họ quan tâm đến việc chọn lãnh đạo mới hơn là đề nghị một dự án khả dĩ thay thế chính sách của Tổng thống Sarkozy. Nhưng làm gì thì làm, Tổng thống Sarkozy sẽ khó mà phục hồi sự tin cậy mà dân Pháp đã dành cho ông cách đây một năm.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đi thăm một nhà máy ở vùng Gard, ngày 06/05/2008)

Không có nhận xét nào: