11/05/2008_ Serbia tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn, ngày hôm nay. Đây là hậu quả trực tiếp của việc Kosovo tự tuyên bố độc lập vào tháng hai vừa qua và nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu. Do vậy, cuộc bầu cử này mang ý nghĩa như một trưng cầu dân ý về việc hội nhập của Serbia vào châu Âu.
Trong cuộc vận động tranh cử, cả hai phe, dân tộc chủ nghĩa và thân châu Âu, đều chống lại việc Kosovo độc lập. Nhưng mỗi bên có cách đối phó khác nhau. Đối với đảng Cấp tiến Serbia, SRS, đại diện cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan thì Serbia không thể gia nhập Liên hiệp châu Âu nếu bị mất Kosovo. Còn Liên minh vì một nước Serbia châu Âu, với nòng cốt là đảng Dân chủ, ủng hộ Tổng thống Boris Tadic thân châu Âu, cho rằng cần phải hội nhập vào châu Âu để phát triển kinh tế và đây là cách tốt nhất để giữ Kosovo trong Serbia.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, đảng Cấp tiến Serbia có thể về đầu, với khoảng 35 đến 38% số phiếu, cao hơn một chút so với đảng Dân chủ của Tổng thống Tadic. Phe dân tộc chủ nghĩa thân Nga đã lợi dụng sự bực bội của một bộ phận lớn người dân Serbia do việc Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đã ủng hộ nền độc lập của Kosovo, lãnh thổ mà người Serbia vẫn coi là cái nôi lịch sử của đất nước. Phe này còn đưa ra rất nhiều lời hứa mỵ dân, như sẽ giải quyết tất cả các vấn đề kinh tế của Serbia, mặc dù hiện nay tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 18% và mức lương trung bình của người dân chỉ là 350 euro mỗi tháng.
Phe dân tộc chủ nghĩa còn nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng mãn nhiệm, ông Vojislav Kostunica. Đảng Dân chủ Serbia của ông Kostunica có thể được 12% số phiếu. Vào tháng ba, để phản đối việc Kosovo tuyên bố độc lập, chính ông Kostunica đã cắt đứt liên minh với phe thân châu Âu, dẫn đến cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn hôm nay. Trong khuôn khổ chiến dịch vận động tranh cử, ông Kostunica đã tới vùng phía bắc Kosovo, nơi có khoảng 40 ngàn người Serbia sinh sống và ông khẳng định lại rằng Kosovo thuộc về Serbia. Phe dân tộc chủ nghĩa còn kêu gọi người Serbia ở Kosovo tham gia bỏ phiếu, thách thức Liên Hiệp Quốc, bởi vì về nguyên tắc, chỉ có cơ quan quản trị Liên Hiệp Quốc tại đây mới có quyền tổ chức bầu cử.
Để hỗ trợ phe thân châu Âu bị yếu thế trong cuộc vận động tranh cử, Liên hiệp châu Âu đã làm hai việc. Ngày 29 tháng tư, Bruxelles đã ký với chính quyền Beograd Hiệp định Ổn định và Liên kết, ASA, chặng đầu tiên trong quá trình gia nhập châu Âu. Tuy nhiên, Liên hiệp châu Âu cũng cho biết là Hiệp định chỉ có hiệu lực, nếu Serbia hợp tác đầy đủ với Tòa án Quốc tế về Nam tư cũ, ở La Haye, Hà Lan, đặc biệt trong việc bắt giữ một số kẻ bị truy tố phạm tội ác chiến tranh. Tiếp đến, ngày mồng 6 tháng 5 vừa qua, 17 trong số 27 thành viên Liên hiệp châu Âu quyết định sẽ áp dụng quy chế miễn thị thực nhập cảnh cho đại đa số công dân Serbia, nếu Beograd đáp ứng các điều kiện như đấu tranh chống khủng bố, tham nhũng, nạn nhập cư trái phép, chống tội phạm có tổ chức, hợp tác với cảnh sát quốc tế Interpol, làm hộ chiếu sinh trắc v.v.
Một số nhà phân tích lo ngại là động tác muộn màng này của châu Âu có thể bị cử tri coi như là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Serbia, có nguy cơ gây phản ứng ngược lại. Phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan đã không ngớt lời tố cáo Tổng thống Boris Tadic và phe thân châu Âu là những kẻ phản bội đất nước khi ký kết hiệp định ASA.
Thắng lợi của phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan sẽ đảo ngược xu thế thân phương Tây mà Serbia đã chấp nhận kể từ khi chế độ độc đoán của Slobodan Milosevic bị lật đổ vào năm 2000. Serbia sẽ thắt chặt quan hệ với Nga. Việc hợp tác với Tòa án Quốc tế sẽ bị đình hoãn. Thủ lĩnh đảng Cấp tiến Serbia, ông Tomislav Nikolic đã nói thẳng là nếu họ lên cầm quyền thì không một người Serbia nào sẽ bị dẫn độ sang Toà án La Haye. Do vậy, tối thứ tư vừa qua, trước hàng ngàn ủng hộ viên, Tổng thống Tadic đã tuyên bố rằng, xin trích, « Cuộc bầu cử này là một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem liệu chúng ta có muốn hướng tới châu Âu hay tiếp tục bị cô lập ».
Trong cuộc bầu cử này, không một đảng phái nào có thể giành được đa số tại quốc hội. Đảng Xã hội Serbia của cố Tổng thống Milosevic, với khoảng 7% số phiếu, sẽ có vai trò quyết định. Giới phân tích không loại trừ khả năng đảng Xã hội Serbia ngả theo phe thân châu Âu của Tổng thống Boris Tadic, cho dù việc đảng này liên minh với phe dân tộc chủ nghĩa để đứng ra lập chính phủ thì có vẻ hợp lôgich hơn.
Đức Tâm
(Ảnh : AFP Một người Serbia, cùng con trai, ở vùng Kosovo, bỏ phiếu bầu, ngày 11/05/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét