18/05/2008_ Một thảm họa thứ nhì đang đe dọa tính mạng của hàng triệu người dân Miến Điện. Hơn 2 tuần sau cơn bão Nargis, số phận hàng triệu người dân cư vùng châu thổ Irrawady càng thêm hiểm nghèo, khốn quẫn, nếu họ không được kịp thời cứu trợ và cung cấp nước sạch, lương thực, thuốc men và nhà ở tạm thời. Bên cạnh đó, mùa mưa tiếp tục và chính quyền quân phiệt Miến Điện vẫn duy trì chính sách cứu trợ nhỏ giọt. Tình trạng càng thêm nghiêm trọng và con số người thiệt mạng sẽ còn tăng gấp bội. Nạn nhân sống sót sau cơn bão Nargis ngày mồng 3 tháng 5 sẽ chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật, vì kiệt sức, trong lúc nhà cầm quyền Miến Điện khước từ mọi chiến dịch cứu trợ ở quy mô lớn do các tổ chức nhân đạo thế giới phối hợp với các chính phủ Tây phương chủ trương.
Trong tuần qua, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo nạn nhân cơn bão đang cấp thiết chờ đợi được cứu mạng. Theo nhiều nguồn tin, trường hợp bệnh dịch tả đã xuất hiện. Hàng trăm ngàn trẻ em đang bơ vơ vì bị thất lạc và không còn nơi nương tựa. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, UNICEF, cho rằng các em có nguy cơ bị bắt cóc, bị mang bán, bị cưỡng bức lao động. Theo nhận định của các tổ chức như Liên đoàn Hồng Thập Tự và Lưỡi Liềm Đỏ, ít nhất một nửa con số gần 2 triệu nạn nhân sống sót qua cơn bão, cho đến nay vẫn chưa nhận được một sự cứu trợ nào.
Trước quy mô cuộc khủng hoảng vô cùng khốc liệt này, nhiều nước đã không chịu bất lực, khoanh tay chờ. Từ nhiều ngày qua, áp lực quốc tế đã gia tăng nhằm buộc các tưóng lãnh Miến Điện mở cửa cho hàng viện trợ và các đội cứu trợ cuả Liên Hiệp Quốc cũng như của nước ngoài được tiếp tay cứu vớt hàng chục vạn đồng loại. Nhưng đối sách của tập đoàn lãnh đạo Miến Điện là nhận một số hàng viện trợ ít ỏi của nước ngoài và giành độc quyền quản lí số hàng này. Đồng thời, cho phép nhỏ giọt một số người châu Á được nhập cảnh vào Miến Điện quan sát việc cứu trợ. Còn các tổ chức phương Tây thì bị gạt ra ngoài lề. Ví dụ điển hình là chiếc tàu Mistral thuộc quân đội Pháp đã bỏ neo ngoài khơi vùng châu thổ Irrawady từ hai ngày nay, với một ngàn tấn lương thực có khả năng nuôi sống 100 ngàn người trong vòng 2 tuần lễ. Thế nhưng, tầu Mistral của Pháp không được phép cập bến. Chính quyền Miến Điện tỏ ra đa nghi và đã cáo buộc nước Pháp đưa chiến hạm đến đây để đe doạ chủ quyền của họ.
Trước cảnh người Miến Điện lầm than, mà chỉ cách hàng viện trợ có vài chục phút thời gian mà 3 trực thăng trên con tàu Mistral có thể chuyển hàng đến tay họ, cả Ngoại trưởng Pháp và Tổng Giám mục Nam Phi Desmont Tutu đã đề cập khả năng quy cho các lãnh đạo chế độ Miến Điện tội ác chống nhân loại.
Ngược lại, chính phủ Miến Điện lo sợ cuộc khủng hoảng này sẽ bị sử dụng như một ngọn đòn chính trị nhắm vào họ tại Liên Hiệp Quốc và tại Hội đồng Bảo an. Nguyên nhân cơ bản là nếu tập đoàn Miến Điện bị xét phạm vào tội ác chống nhân loại thì cộng đồng quốc tế có quyền đơn phương can thiệp, nhờ vào nguyên tắc được ghi trong văn kiện chính thức của Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc này được mệnh danh là Responsibility to Protect - Trách nhiệm bảo vệ.
Cho đến giờ phút này, chưa ai có thể dự phóng các nước Tây Phương có triển vọng bất chấp chính quyền Miến Điện, mà thâm nhập vào lãnh thổ nước này để cứu trợ cho hàng triệu nạn nhân. Nhưng rõ ràng là áp lực đang đè nặng lên chính phủ quân phiệt, buộc họ thay đổi chính sách tẩy chay viện trợ cuả Tây phương. Cần nói thêm, bên cạnh con tàu Mistral của Pháp, còn có một số tàu chiến của Hoa Kỳ và một khu trục hạm của Anh quốc đang chuẩn bị sẵn sàng ở ngoài khơi Miến Điện. Cả ba cường quốc Tây phương không từ bỏ ý định thúc đẩy Hội đồng Bảo an bật đèn xanh cho chiến dịch can thiệp nhân đạo vào vùng châu thổ Irrawady.
Bảo Thạch
(Ảnh : AP : Một bé gái Miến Điện giữa cảnh đổ nát sau cơn bão Nargis. Ảnh chụp ngày 17/05/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét