05/05/2008_ Chính quyền khu tự trị Abkhazia, ngày hôm qua, cho biết là đã bắn rơi hai chiếc máy bay trinh sát không người lái loại nhỏ của Gruzia. Mặc dù chính phủ Tbilissi cực lực bác bỏ thông tin này, nhưng ngay lập tức, Nga đã lên tiếng tố cáo Gruzia đổ thêm dầu vào lửa, làm cho quan hệ giữa hai nước căng thẳng thêm. Vụ việc này tiếp nối với hàng loạt sự kiện đã xẩy ra trong những ngày qua, như việc Nga đưa thêm quân đội sang vùng Abkhazia, hay các vụ bắn hạ máy bay trinh thám của Gruzia bị bắn hạ vào giữa tháng ba và cuối tháng tư v.v.
Thực ra, quan hệ ngoại giao quân sự căng thẳng giữa Gruzia và Nga đã xẩy ra rất nhiều lần và đặc biệt là từ khi ông Mikhail Saakachvili, lên làm tổng thống đầu năm 2004 và tỏ thái độ thân phương Tây rõ rệt. Theo giới phân tích, Gruzia đã trở thành nạn nhân trong chính sách của Nga nhằm đối phó với việc các nước cộng hoà thuộc liên xô cũ ngả theo phương Tây và gia nhập khối NATO.
Lý do Nga chọn Gruzia rất dễ hiểu : tại đây có những vùng tự trị thân Matxcơva. Do lịch sử để lại, trên lãnh thổ Gruzia có 3 vùng tự trị, đó là Abkhazia (diện tích hơn 8400 cây số, dân số khoảng 190 000 trong đó 80% mang quốc tịch Nga), vùng thứ hai là Nam Ossétia (diện tích 3900 km vuông, dân số khoảng 70 000 ngàn người). Hai vùng này luôn đòi ly khai khỏi Gruzia và thậm chí đã từng tự tuyên bố độc lập nhưng không được cộng đồng quốc tế thừa nhận, kể cả chính quyền Nga. Khu tự trị thứ ba là Adjaria (diện tích 2900 cây số, dân số có hơn 376 000), không có xung đột vũ trang với chính quyền Tbilissi.
Theo phân tích của tờ báo trên mạng, Le Temps, Thụy Sĩ thì trong cuộc đọ sức với phương Tây, vấn đề Abkhazia cũng như Nam Ossétia là một thành tố trong chính sách ngoại giao của Nga. Đối tượng phải hứng chịu nhiều hậu quả nhất là chính quyền Tbilissi, đặc biệt là tổng thống Saakachvili, ngưòi mà trong con mắt của Matxcơva, đã ngả hẳn theo Mỹ và muốn đưa Gruzia vào khối NATO. Kể từ khi Kosovo tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Serbia, đồng minh thân thiết của Nga, thì vấn đề Nam Ossétia và Abkhazia đã trở thành phương tiện của Matxcơva gây áp lực trên quốc tế : Nếu Kosovo có thể được độc lập thì người dân ở hai vùng tự trị nói trên cũng có quyền tương tự.
Có một câu hỏi được đặt ra là liệu căng thẳng giữa Gruzia và Nga có dẫn đến một cuộc xung đột quân sự thực sự hay không ? Các chuyên gia cho rằng điều này ít có khả năng xẩy ra. Matxcơva áp dụng chiến thuật lúc nóng lúc lạnh trong quan hệ với Tbilissi nhằm duy trì áp lực đối với nước này. Hơn nữa, Nga sẽ bất lợi về ngoại giao nếu để xẩy ra xung đột, bởi vì trong những ngày qua, khối NATO và phương Tây đã chính thức lên tiếng cho rằng Nga có thái độ hung hăng trong quan hệ với Gruzia. Nói một cách khác, Nga áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt. Sau khi quyết định bãi bỏ cấm vận về giao thông vận tải, bưu chính, chuyển tiền giữa hai nước, thì vào ngày 16 tháng tư vừa qua, Matxcơva lại thông báo tăng cường quan hệ vơí hai vùng tự trị là Abkhazia và Nam Ossétia. Hai ngày sau, tổng thống Vladimir Poutine khẳng định là Nga muốn bình thường hóa quan hệ với Gruzia, để rồi sau đó một ngày thì lại tố cáo Tbilissi bắn hạ một máy bay trinh thám không người lái của Abkhazia.
Hiện nay, Matxcơva có những bất đồng với phương Tây trên các hồ sơ quốc tế lớn như không chấp nhận dự án lá chắn chống tên lửa của Mỹ đặt tại các nước vệ tinh của Liên xô cũ, lo ngại khối NATO tiếp tục thâu nạp các nước láng giềng làm thành viên, bất bình về việc phương Tây ủng hộ Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, không đồng thuận với Mỹ, Anh, Pháp, Đức về việc cô lập Iran trong hồ sơ nguyên tử của nước này. Do vậy, trong chính sách ngoại giao của Nga, vấn đề Abkhazia là một công cụ để khi cần Nga có thể lên giọng với phương Tây. Điều bất hạnh cho Gruzia là chính sách đối ngoại của Nga sẽ không thay đổi với việc ông Dmitri Medvedev trở thành tổng thống và sự ổn định của Gruzia cũng như vùng bắc Capcase còn tiếp tục bị đe doạ.
Đức Tâm
(Ảnh : EPA : Tổng thống Nga Vladimir Poutine-bên phải- và tổng thống Gruzia Mikhail Saakachvili)
a appelé
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét