22/05/2008_ Hai mươi ngày sau khi cơn bão Nargis đổ vào Miến Điện làm hơn 133 ngàn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người cần phải giúp đỡ, hôm nay, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon mới được chính quyền nước này chấp nhận đón tiếp. Trong chuyến đi hai ngày này, nhiệm vụ chính của ông là thuyết phục giới tướng lãnh cầm quyền rằng thảm họa thiên tai rất lớn, hàng triệu người cần được giúp đỡ khẩn cấp và chính quyền cần phải nhanh chóng mở cửa chấp nhận viện trợ ồ ạt của quốc tế. Thế nhưng, theo giới quan sát, đây là một chuyến công du đầy khó khăn và ngay người dân Miến Điện cũng tỏ ra bi quan về kết quả cuộc viếng thăm này.
Từ khi xẩy ra thảm họa thiên tai đến nay, tướng Than Shwe, lãnh đạo số một của tập đoàn quân sự cầm quyền đã nhiều lần từ chối nói chuyện điện thoại với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và không trả lời hai bức thư của ông. Nguyên nhân chính là giới tướng lãnh chỉ quan tâm đến việc bảo vệ quyền lực. Mối ám ảnh của họ là lo sợ phương Tây và Hoa kỳ can thiệp, lật đổ chế độ. Đối với giới cầm quyền tại Miến điện thì Liên Hiệp Quốc cũng chỉ là công cụ của phương Tây. Do vậy, qua chuyến đi này, ông Ban Ki Moon hy vọng thuyết phục chính quyền Miến Điện hãy gạt bỏ những nghi ngại nói trên và với tư cách Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông đến Miến Điện không phải để tấn công chế độ. Ngay tại sân bay Rangun, ông Ban Ki Moon nói rằng không nên chính trị hóa viện trợ của quốc tế cho Miến Điện và mục tiêu chính trong lúc này là phải tập trung cứu sống mạng người. Dường như cũng để tự trấn an, Thủ tuớng Miến Điện vội vã khẳng định lại là chuyến đi của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ mang tính chất thuần tuý cứu trợ nhân đạo.
Trình tự thời gian các sự kiện xẩy ra cho thấy rõ mối quan tâm của tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện không phải là cứu trợ mà trước tiên là bảo vệ sự tồn tại lâu dài của chế độ. Chính quyền chỉ hé mở cho viện trợ nhân đạo nhỏ giọt đến từ các nước láng giềng thân thiện trong khu vực châu Á, sau mồng 10 tháng 5, ngày tổ chức trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp. Bất chấp quy mô của thảm họa và sức ép của cộng đồng quốc tế, giới tướng lãnh chấp nhận tổ chức hội nghị quốc tế kêu gọi cứu giúp Miến Điện vào chủ nhật, 25 tháng 5, tức là một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp, tại hơn 4 chục địa phương, những nơi bị thiên tai, nên không thể tổ chức bỏ phiếu hồi đầu tháng.
Ông Ban Ki Moon tới Miến Điện ngày hôm nay còn nhằm chuẩn bị cho hội nghị quốc tế nói trên. Tập đoàn quân sự cầm quyền cho biết cần khoảng 11 tỷ đô la cứu trợ và tái thiết. Có thể đây cũng là một trong những lý do mà họ chấp nhận đón tiếp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và để cho ông đi thị sát tình hình, đánh giá các mức độ thiệt hại.
Thế nhưng, ông Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia về Miến Điện tại Bangkok, Thái lan, được Reuters trích dẫn, thì không nên hy vọng nhiều vào chuyến đi của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, vì ông Ban Ki Moon đến Miến Điện đã quá muộn và rất nhiều người đã chết kể từ sau trận bão tới nay. Còn theo quan sát của AP, thì tại Rangun, nhiều người dân không hề tin tưởng là tình hình sẽ cải thiện sau chuyến đi của ông Ban Ki Moon bởi vì giới tưóng lãnh không hề quan tâm đến những lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc. Mọi việc sẽ trở lại như cũ sau khi lãnh đạo Liên Hiệp Quốc rời khỏi nước này. Ngay ông John Homes, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc về viện trợ cũng tỏ ra thận trọng sau các cuộc gặp với lãnh đạo Miến điện trong tuần qua. Theo ông thì cần phải nhìn thấy tận mắt trên thực địa những việc được làm theo lời hứa của giới tướng lãnh, chứ đừng tin vào những tuyên bố của họ.
Đức Tâm
(Ảnh : Reuters : Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét