09/05/2008_ Mặc dù hơn một triệu nạn nhân bão lụt tại Miến Điện đang tuyệt vọng trông chờ sự giúp đỡ của thế giới, chính quyền quân sự nước này vẫn đóng chặt cửa, chỉ nhận viện trợ một cách nhỏ giọt. Trước tình hình ngày càng khẩn cấp như vậy, cộng đồng quốc tế và nhất là Liên Hiệp Quốc phải làm sao để cứu giúp những nạn nhân ở Miến Điện ? Đây là câu hỏi đang được đặt ra.
Thế nhưng, Hội đồng Bảo an lại bất đồng với nhau về phương cách đối phó. Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, một trong những nhà sáng lập tổ chức Y sĩ Không Biên giới, đã tỏ ý muốn Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết buộc chính quyền quân sự Miến Điện mở cửa đón nhận viện trợ quốc tế. Nghị quyết này dựa trên khái niệm gọi là « trách nhiệm bảo vệ » những người dân đang bị đe doạ bởi nạn diệt chủng, thanh lọc sắc tộc, tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại. Đây là khái niệm đã được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2005, để đáp lại khái niệm về « quyền can thiệp nhân đạo » mà ông Kouchner là một trong những người chủ xướng. Thế nhưng, hôm qua, trong ngày thứ hai liên tiếp, các nhà ngoại giao Pháp vẫn gặp sự từ chối từ phía nhiều quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an. Lý do mà các nước này, đứng đầu là Trung Quốc, đưa ra đó là những vấn đề nhân đạo không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bảo an. Cơ chế này chỉ lo về các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới. Theo lập luận của đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, tình hình hiện nay của Miến Điện là xuất phát từ một thiên tai. Đây là một vấn đề phải được bàn thảo ở những diễn đàn khác của Liên Hiệp Quốc, chứ không phải ở Hội đồng Bảo an. Ông Jan Egeland, người tiền nhiệm của ông John Holmes ở chức vụ Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, đặc trách hoạt động nhân đạo thì có ý kiến ngược lại. Theo ông, đây hoàn toàn là một vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bảo an : « Chúng ta sống trong một thế giới mới, một thế giới mà mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ, trợ giúp ».
Nhưng đại sứ Anh quốc, hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng năm lại nhấn mạnh rằng, khái niệm « trách nhiệm bảo vệ » chỉ áp dụng đối với những tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Về phần Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc John Holmes thì tỏ thái độ dè dặt. Ông cho rằng, việc áp dụng khái niệm « trách nhiệm bảo vệ » để buộc một chính phủ mở cửa cho Liên Hiệp Quốc vào trợ giúp chỉ nên là giải pháp cuối cùng.
Tóm lại, tình hình hiện nay ở Miến Điện cho thấy những hạn chế của cộng đồng quốc tế trong việc cứu giúp cho người dân ở một quốc gia nếu chính phủ của nước đó không chịu hợp tác. Hội đồng Bảo an bị chia rẽ như vậy. Bây giờ người ta chỉ có thể trông chờ vào những quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với Miến Điện, như Trung Quốc, để thuyết phục tập đoàn quân sự mở rộng cửa đón nhận trợ giúp của quốc tế. Vấn đề là các tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện có vẻ muốn bảo vệ quyền lực hơn là quan tâm đến mạng sống của người dân. Có thể rồi họ sẽ chấp nhận mở rộng cửa, nhưng khi đó sẽ quá trễ đối với nhiều nạn nhân của cơn bão Nargis.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Dedaye – miền nam Miến Điện, ngày 09/05/2008, một đứa trẻ giữa cảnh hoang tàn đổ nát sau cơn bão Nargis)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét