Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2008

THÁI LAN: Tình hình lại căng thẳng do Thủ tướng Samak muốn sửa đổi Hiến pháp

30/05/2008_ Năm tháng sau cuộc bầu cử quốc hội, trong những ngày này, bầu không khí chính trị tại Thái Lan lại nóng lên một cách nguy hiểm. Phe đối lập xuống đường biểu tình, trong lúc có tin đồn về một cuộc đảo chính, cho dù quân đội đã cải chính. Nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng là việc thủ tướng Samak Sundaravej muốn sửa đổi hiến pháp. Theo nhận định của một nhà ngoại giao phương Tây tại Bangkok, được AFP trích dẫn, tình hình có nguy cơ quay trở lại như cũ. Tức là như trước khi quân đội tiến hành đảo chính, lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra, hồi tháng 9 năm 2006.

Vào thời điểm đó, trong nhiều tháng trời trước khi có đảo chính, phe đối lập, với nòng cốt là tầng lớp trung lưu, trí thức, chủ yếu tại Bangkok, đã liên tục xuống đường biểu tình, tố cáo thủ tướng Thaksin và gia đình lạm dụng quyền lực để làm giầu, tham nhũng và bản thân ông Thaksin thì mắc tội khi quân, không kính trọng nhà vua. Ngày 19 tháng 9 năm 2006, trong lúc thủ tướng Thaksin tham dự Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, quân đội Thái Lan đã thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu. Trong vòng 15 tháng cầm quyền, giới tướng lãnh Thái Lan đã cho soạn thảo một bản Hiến pháp mà theo lời Thủ tướng Samak là nhằm gài bẫy đảng Quyền lực Nhân dân của ông. Theo tinh thần bản Hiến pháp này, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 7 năm ngoái, thì một chính đảng có thể bị Tòa án Tối cao ra phán quyết giải thể, nếu Ủy ban bầu cử Thái lan có bằng chứng là đảng này đã gian lận trong bầu cử.

Mặc dù về đầu trong cuộc Tổng Tuyển cử tháng 12 năm 2007, đảng Quyền lực Nhân dân đã phải liên kết với một số đảng nhỏ để có đủ đa số đứng ra lập chính phủ. Sau cuộc bỏ phiếu này, hai đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, là đảng Chart Thai và Machimathipataya, bị điều tra về gian lận bầu cử. Nhưng nghiêm trọng hơn là Phó Chủ tịch đảng Quyền lực Nhân dân, Yomnguyut Tiyapairat bị xét xử về tội mua bán phiếu bầu và hiện nay, Tòa án Tối cao Thái Lan đang nghị án. Như vậy, Thủ tướng Samak đang đứng trước hai nguy cơ : hoặc là đảng Quyền lực Nhân dân sẽ bị giải thể hoặc hai đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền bị giải thể và như vậy thì chính phủ sẽ không có đủ đa số tại Quốc hội. Trong bối cảnh đó, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Samak đã tuyên bố là sẽ đề nghị sửa đổi Hiến pháp. Thậm chí, trong những ngày gần đây, đảng Quyền lực Nhân dân còn cho biết là họ sẽ viết lại toàn bộ Hiến pháp, trừ lời nói đầu.

Chủ nhật vừa qua, Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, đã tổ chức một cuộc biểu tình với sự tham dự của khoảng 8000 người để đòi chính phủ của Thủ tướng Samak phải hủy bỏ dự án sửa đổi Hiến pháp. Tối nay, phe đối lập kêu gọi mọi người tiếp tục xuống đường. Ngày hôm qua, Tổng Tư lệnh tối cao quân đội Thái lan, tưóng Boonsrang Niumpradit đã phải lên tiếng cải chính tin đồn về một cuộc cải chính. Trong khi đó, cảnh sát Thái lan cho biết là có bằng chứng về việc một bộ trưởng trong chính phủ Samak phạm tội khi quân, không kính trọng nhà vua. Theo ông Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia về an ninh quốc tế tại trường đại học Chulalongkorn, thì nếu chỉ có dưới 10 000 người tham gia, cuộc biểu tình của phe đối lập không có ý nghĩa. Nhưng nếu số người đông gấp 5 hoặc 6 lần, thì tình hình sẽ trở nên căng thẳng.

Mặc dù có nhiều điểm giống với tình hình hồi năm 2006, nhà phân tích chính trị Giles Ji Ungpakorn nói với AFP rằng, trước mắt, chính phủ Thái Lan chưa bị đe doạ. Bởi vì tầng lớp trung lưu, nòng cốt của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, lại rất dễ thay đổi lập trường và họ cũng không muốn thấy tái diễn lại tình trạng rối loạn như trước. Cách nay hai hôm, bộ trưởng tài chính Thái Lan, Surapong Suebwonglee đã phải trấn an giới doanh nhân và các nhà đầu tư trong vào ngoài nước rằng mọi việc sẽ được thực hiện một cách dân chủ và không có đảo chính, bởi vì mọi người đều hiểu được rằng đảo chính sẽ làm cho tình hình chính trị và kinh tế Thái Lan xấu đi.
Đức Tâm
(Ảnh: AFP: Thủ tướng Samak Sundaravej)

Không có nhận xét nào: