04/05/2008_ Trong bối cảnh có khủng hoảng lương thực trên thế giới và giá gạo tăng vọt, ngày 30 tháng tư vừa qua, thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã chính thức đề nghị thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries - OREC), dựa theo mô hình các nước xuất khẩu dầu lửa, OPEC. Tổ chức này sẽ bao gồm một số nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Căm bốt, Lào, Miến điện v.v. Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên gia thì dự án này không có tính khả thi.
Năm quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Căm bốt, Miến điện, mỗi năm, sản xuất tổng cộng 60 triệu tấn gạo, tương đương với 14% tổng sản lượng thế giới. Mặc dù cung cấp hơn 60% lượng gạo xuất khẩu thế giới, thế nhưng các nước xuất khẩu gạo lại không quyết định được giá cả, mà phụ thuộc vào các nước nhập khẩu. Vào lúc giá dầu lửa không ngừng gia tăng thì các nước nói trên phải mua dầu lửa giá đắt và bán gạo giá rẻ. Do vậy, theo báo chí Thái lan, nếu được thành lập, thì tổ chức các nước xuất khẩu gạo sẽ tránh được những rủi ro biến động, ấn định giá gạo trên thị trường thế giới và ổn định được giá trên thị trường nội điạ. Bên cạnh đó, tổ chức này còn đưa ra được những dự báo về giá cả, hỗ trợ nhà nông về kỹ thuật, để họ yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất.
Ý tưởng thành lập một tổ chức như vậy đã nhận được sự ủng hộ về nguyên tắc của Căm bốt, Miến điện. Còn Lào tuyên bố sẽ nghiên cứu nghiêm chỉnh đề xuất này. Tuy nhiên, hai nước có vai trò quan trọng trên thị trường gạo là Việt nam và Ấn độ thì không mặn mà. Là nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, khoảng 4,5 triệu tấn trong năm 2007, Việt Nam khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường trong nước và trong năm nay có thể chỉ xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn. Còn Ấn độ thì dứt khoát hơn, tạm ngưng bán gạo ra bên ngoài.
Thực ra, ý tưởng thành lập một tổ chức các nước xuất khẩu gạo đã được Thái lan đưa ra vào năm 2001 nhưng không nhận được sự hưởng ứng của các quốc gia liên quan. So với dầu lửa và mô hình hoạt động của tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, OPEC, giới phân tích nhấn mạnh đến hai sự khác biệt cơ bản : yếu tố quốc gia và bản chất thị trường lương thực. Theo ông Jonathan Pincus, kinh tế gia thuộc văn phòng Tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt nam, được AFP trích dẫn, thì tại châu Á, phần lớn các hoạt động xuất nhập khẩu gạo do nhà nước tiến hành. Do vậy, các nước sản xuất gạo có thể hạn chế xuất khẩu để phục vụ thị trường nội địa. Hơn nữa, thị trường gạo trên thế giới quá nhỏ, rất ít người mua và bán. Bởi vì gạo chủ yếu được tiêu thụ ngay tại các nước sản xuất ra. Đây cũng là ý kiến của ông Robert Zeigler, giám đốc học viện quốc tế nghiên cứu về lúa của Philippines và ông nhấn mạnh dầu lửa được khai thác bởi một số ít các công ty tại một số ít quốc gia. Còn gạo được sản xuất bởi hàng triệu nông dân mà mỗi hộ nông dân này chỉ có 1,2,3 hectare đất. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Không thể đạt được đồng thuận về giá cả, nếu bản thân các nước thành viên của tổ chức không kiểm soát được nguồn cung ứng lương thực.
Ngay chủ tịch hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookia Ophaswongse cũng không tán đồng dự án này. Ông giải thích, trong một nền kinh tế thị trường, như Thái lan, thì không thể kiếm soát, bắt nông dân trồng gạo hay không. Họ đổ xô trồng lúa nếu giá gạo cao và họ sẽ chuyển sang trồng loại cây khác nếu giá gạo xuống thấp. Chuyên gia Arpitha Bykere, thuộc trung tâm phân tích kinh tế tài chính RGE Monitor, có trụ sở tại New York, nói thẳng các tổ chức quốc tế sẽ chống lại dự án thành lập một tổ chức các nước xuất khẩu gạo.
Đức Tâm
(Ảnh : AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét