Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2008

MIẾN ĐIỆN : Người dân khốn cùng, lãnh đạo giầu tột đỉnh.

12/05/2008_ Theo chính quyền Miến Điện thì cơn bão Nargis làm cho ít nhất 62 ngàn người thiệt mạng và mất tích. Nhưng bộ trưởng bộ Kinh tế Soe Tha phải thừa nhận là 10 ngày sau thiên tai nhiều vùng lãnh thổ còn bị cô lập. Còn giới ngoại giao Tây phương thẩm định ít nhất 100 ngàn người chết, hơn 2 triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Mặc dù dân chúng khổ sở như vậy, chính quyền quân sự vẫn tỏ thái độ vô tâm tìm đủ cách cản trở quốc tế cứu giúp nạn nhân thiên tai. Chưa hết, quân đội Miến Điện chủ nhân thật sự của quốc gia Đông nam Á này, còn lợi dụng thời cơ để làm giàu. Trong lúc vật giá tăng vọt, như nước uống đã lên 500% kể từ sau thiên tai và kinh tế trì trệ thì chính quyền quân sự cho lập ít nhất 50 trạm kiểm soát dọc theo con đường chiến lược từ làng biên giới Thái Lan Mae Sot đến Rangoon. Xe chở hàng hóa, thực phẩm đi ngang phải nộp một món tiền mãi lộ. Đây là một thí dụ nhỏ cho thấy cung cách cai trị của quân đội Miến Điện, nói nôm na là « cấp lớn ăn theo cấp lớn, cấp nhỏ ăn theo cấp nhỏ ».

Một nhà phân tích chính trị tỵ nạn tại Thái Lan, ông Ung Naing Oo khẳng định với AFP, sĩ quan cao cấp Miến Điện giàu nứt vách. Từ năm 1962 đến nay, khi bắt đầu cái gọi là « chủ nghĩa xã hội theo con đường Miến Điện », toàn thể lãnh vực kinh tế nằm trong tay quân đội từ kỹ nghệ đến khai thác gỗ trong những thập niên đầu đến dầu khí và dịch vụ trong những thập niên sau này. Theo nhiều nguồn thống kê, quân đội Miến Điện với 400 ngàn người, chiếm đến gần 50% ngân sách quốc gia. Những lãnh vực thiết thực cho đời sống người dân như giáo dục và y tế hoàn toàn bị xao lãng. Cụ thể, ngân sách y tế chỉ chiếm 0,3% tổng sản lượng nội địa. Giáo dục 1,3%. Còn ngân sách quốc phòng là 5%.

Mặc dù Miến Điện giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, đá quý, gỗ quý, mõ đồng mõ vàng, nhưng theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 75% dân số Miến Điện sống dưới ngưỡng nghèo khó. Tiền bạc tập trung trong tay giới cầm quyền. Một tờ báo chính thức hồi tháng 4 cho biết, trong năm 2007, xuất khẩu dầu khí đã mang lại cho chính quyền 2,7 tỷ đô la, tăng 80% so với năm 2006. Sean Turnell, giáo sư kinh tế và cũng là một chuyên gia về Miến Điện thuộc đại học Macquarie, Úc Đại Lợi, thẩm định là thành phần tướng lãnh nắm trong tay 4 tỷ đô la ngoại tệ. Và số ngoại tệ này tăng thêm 150 triệu đô la mỗi tháng. Nhưng dường như chỉ có những người cao cấp nhất mới nắm trong tay số tài sản kếch sù này, còn tuyệt đại đa số quân nhân khác hoàn toàn mù tịt, không biết đất nước có bao nhiêu tiền. Cuối năm 2006, một đọan phim quay cảnh đám cưới của con gái tướng Than Shwe được phát tán trên mạng Internet làm cho một phần công luận thấy lối sống giàu sang hoang phí của giới cầm quyền. Đây cũng là một trong những nguyên do đưa Miến Điện rơi vào cảnh khốn cùng so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Căm Bốt. Năm 1948, khi được Anh quốc trao trả độc lập, thủ đô Rangoon là một thành phố tráng lệ nhất nhì trong vùng Đông Nam Á còn kinh đô Bangkok của Thái lan chỉ là một phố chợ đìu hiu.

Theo nhận định của International Crisis Group, tổ chức nghiên cứu khủng hoảng thế giới, trong khi nhiều nước Đông Nam Á khác, cải cách kinh tế và chính trị thì Miến Điện lại đi thụt lùi. Từ khi lên nắm quyền vào năm 1992, tướng Than Shwe gia tăng tốc độ co cụm kể cả việc dời thủ đô vào rừng sâu để đề phòng bất trắc chính trị. Theo nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Bangkok, thái độ ích kỷ của các tướng lãnh Miến Điện, chỉ lo bảo vệ quyền lực hơn là sự sống chết đói no của người dân sẽ làm cho làn sóng tỵ nạn tăng cao sau cơn bão Nargis. Hiện nay, hơn 2,5 triệu người Miến Điện đã chọn Thái Lan làm nơi tạm trú.
Tú Anh
(Ảnh: AP: Tướng Than Shwe)

Không có nhận xét nào: