Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2008

MIẾN ĐIỆN : Chính quyền tìm cách che đậy sự bất lực.

15/05/2008_ Hai tuần lễ sau cơn bão Nargis tàn phá vựa lúa miền nam Miến Điện làm ít nhất 200 ngàn người chết và 2,5 triệu người trắng tay, chính quyền quân sự Miến Điện vẫn từ chối đón nhận các toán chuyên gia cấp cứu Tây phương và khẳng định là kiểm soát được tình hình.

Thực tế họ kiểm soát như thế nào ? Bài phân tích của RFI trong chương trình ngày 14/05 đã trình bày chi tiết. Câu hỏi đặt ra là tại sao tập đoàn quân sự Miến Điện xem thường sinh mệnh người dân như thế ? Có chuyện gì quan trọng mà họ muốn che dấu ?

Sáng nay, tờ báo chính thức Ánh sáng mới giải thích: « Vì tinh thần độc lập, Miến Điện chỉ nhận tiền bạc và hàng viện trợ nhưng không cần đến trợ lực của quốc tế để tái thiết ». Nguyên nhân sâu xa có lẽ không phải chỉ có thế. Theo giới quan sát nước ngoài , chính quyền Miến Điện biết rằng thiên tai làm nổi bật những yếu kém về tổ chức, bất lực của guồng máy hành chánh và thái độ dửng dưng của người cầm quyền đối với khổ đau của người dân. Họ không muốn công luận trong nước có dịp chia sẻ với công luận quốc tế về những yếu kém này của chế độ. Trước áp lực mỗi ngày mỗi mạnh, chính quyền Miến Điện có vẻ nhượng bộ đôi chút, đồng ý cho một toán 160 nhân viên thiện nguyện á châu vào Miến Điện vì họ hiểu ra rằng, thái độ vô tâm cũng có thể tạo ra những tác hại khó lường cho chính họ.

Theo phân tích của ông Sergio Romano, sử gia Pháp và phụ trách xã luận trên báo kinh tế Les Echos thì tập đoàn tướng lãnh sẽ kiểm soát nhất cử nhất động chuyên gia nước ngoài. Thiên tai hay một thảm họa do trục trặc kỹ thuật tạo ra là cây thước đo lường vô cùng chính xác hiệu năng hoặc bất lực của một chế độ và có thể đe dọa chính quyền một cách nguy hiểm hơn bất kỳ một phong trào phản kháng hay cách mạng nào. Vụ nổ lò hạt nhân Tchernobyl năm 1986 thời Liên Xô cũ đã đánh tan huyền thoại bách chiến bách thắng của đảng Cộng sản Sô Viết. Người dân Liên Xô đâm ra hết sợ chế độ và dám công khai chỉ trích chính quyền. Sau một thời gian che dấu, chính phủ Gorbachev đã khôn ngoan đón nhận trợ giúp của nước ngoài từ phương tiện đến nhân lực, nhưng không ngăn chận được lòng căm hận của người dân. Đây cũng là khởi điểm của hàng loạt biến động chính trị sau đó dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Sô Viết.

Những chế độ dân chủ cũng có thể bị tác hại do hậu quả thiên tai nếu tỏ ra thiếu nhanh chóng và hiệu quả. Trường hợp Hoa Kỳ với cơn bão Katrina tàn phá bang New Orlean vào tháng 8 năm 2005 là một thí dụ.
Do chính phủ Liên bang phản ứng chậm khiến cho uy tín của Tổng thống George Bush bị thiệt hại còn hơn là cuộc chiến tại Irak. Sử gia Sergio Romano thẩm định, đối với tập đoàn quân sự Miến Điện, cơn bão Nargis không khéo sẽ đưa đến những kết quả mà phong trào phản kháng của các nhà sư hồi tháng 9 năm ngoái không đạt được : Đó là làm cho chế độ lung lay.
Tú Anh
(Ảnh : Reuters)

Không có nhận xét nào: