02/05/2008_Trong những tuần sắp tới, sẽ có nhiều người chết đói tại Bắc Triều Tiên do tình trạng khủng hoảng lương thực trầm trọng tại nước này. Tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc Good Friends đã đưa ra lời cảnh báo trên đây và bầy tỏ mối lo ngại là Bắc Triều Tiên lại có nguy cơ rơi vào một thảm nạn đói giống như những năm 90 của thế kỷ trước.
Trong một bức thư công bố cách nay hai hôm, tổ chức Good Friends cho biết là các quan chức tỉnh Nam Pyongan nói rằng nếu chính phủ không khẩn trương hành động và nối lại việc chu cấp lương thực, thì sẽ có hàng loạt người chết vì đói tại tỉnh này. Trong năm nay, do nạn đói, số vụ tự tử và trộm cắp đã tăng vọt trên phạm vi toàn quốc. Một nông dân, tên là Han Kyong-Dok, 56 tuổi, tại thành phố Yangdok, cách thủ đô Bình Nhưỡng 90 cây số về phía đông đã nói với tổ chức Good Friends là chỉ trong vòng một tháng tới, nếu chính phủ không chặn đứng được việc tăng giá lương thực thì sẽ có nhiều người chết đói.
Theo AFP, trong năm 2007, giá cả các thực phẩm thiết yếu tại Bắc Triều Tiên đã tăng gần như gấp ba lần cho dù chính phủ đã tìm mọi cách để ngăn chặn. Vào giữa tháng tư, giá cả có vẻ ổn định nhưng kể từ ngày 25 tháng tư trở lại đây thì giá cả lại tăng, gây ra mối lo ngại là Bắc Triều Tiên lại phải đối phó với một nạn đói như cách nay hơn một chục năm. Học viện Peterson, có trụ sở tại Hoa Kỳ cho rằng cách nay một thập niên, tại Bắc Triều Tiên, đã có ít nhất là một triệu người chết đói. Các tổ chức phi chính phủ thì ước tính có đến 2 triệu nạn nhân trong các năm 1995, 1996.
Về phần mình, tổ chức Chương trình lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc, PAM, cảnh báo là đã đến lúc phải tìm mọi cách để tránh xẩy ra một thảm họa nhân đạo do nạn thiếu lương thực trầm trọng tại Bắc Triều Tiên. Năm ngoái, nước này bị mất tới 1 phần tư sản lượng lương thực do các trận lũ lụt. Hiện nay, khoảng 6,5 triệu người trong tổng số 23 triệu dân Bắc Triều Tiên không đủ ăn và con số này sẽ còn ra tăng nếu cộng đồng quốc tế không khẩn trương ra tay. Điều nghiêm trọng hơn cả là khoảng 37% số trẻ em tại Bắc Triều Tiên hầu như suy dinh dưỡng kinh niên và một phần ba các bà mẹ đang nuôi con bị suy dinh dưỡng và thiếu máu. Ông Jean-Pierre Margerie, đại diện của PAM tại Bình Nhưỡng, được báo Le Figaro trích dẫn, cho biết là giá lương thực thực phẩm tăng vọt. Tiền mua gạo vài ngày chiếm tới một phần ba mức lương trung bình của người dân. Thịt lợn, khoai tây, trứng giờ đây là những sản phẩm xa xỉ tại Bắc Triều Tiên.
Thế giới hiện nay đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lương thực. Đến mức mà cao uỷ Liên Hiệp Quốc phụ trách về nhân quyền, bà Louise Arbour, ngày hôm qua, đã phải lên tiếng kêu gọi là viện trợ lương thực không phải là một hành động từ thiện mà là một nghĩa vụ đối với ngươì dân các nước nghèo. Thế nhưng, cộng đồng quốc tế đang đứng trước một vấn đề nan giải tại Bắc Triều Tiên. Mặc dù lệ thuộc nặng nề vào viện trợ lương thực đến từ nước ngoài để nuôi người dân, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục mặc cả trong hồ sơ hạt nhân, trong khi đó, Hoa Kỳ, Hàn Quốc lại đòi gắn việc giải quyết vấn đề này với trợ giúp kinh tế. Một nhà ngoại giao Nhật bản phụ trách hồ sơ Bắc Triều Tiên, ước tính là năm nay, Bắc Triều Tiên thiếu hụt từ một đến một triệu rưỡi tấn ngũ cốc. Thế nhưng vào tháng 12 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã từ chối 500 ngàn tấn gạo viện trợ của Hoa Kỳ chỉ vì Washington muốn đưa khoảng 70 người đến theo dõi việc phân phối khối lượng gạo này còn Bình Nhưỡng thì chỉ chấp nhận 50 người. Năm 2007, Hàn Quốc đã viện trợ 500 ngàn tấn gạo và 300 ngàn tấn phân bón hóa học cho Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, kể từ khi có thay đổi chính phủ ở Hàn Quốc, quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng. Bắc Triều Tiên không xin viện trợ lương thực của Hàn Quốc để tỏ thái độ phản đối chính sách cứng rắn của tân chính phủ ở Séoul. Giờ đây, Bắc Triều Tiên chỉ còn biết trông đợi vào đồng minh truyền thống là Trung Quốc. Thế nhưng, Bắc Kinh cũng tỏ ra không sốt sắng lắm trong việc đáp ứng lời kêu gọi trợ giúp về lương thực của Bình Nhưỡng.
Đức Tâm
(Ảnh : www.pbs.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét