Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2008

NEPAL: Bãi bỏ chế độ quân chủ

28/05/2008_ Hôm nay Quốc hội lập hiến Nepal nhóm họp để tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ. Lãnh tụ maoít ông Prachanda nhận định, đây là ngày lịch sử của đất nước này.

Hôm nay bắt đầu một kỷ nguyên mới. Một nước Nepal mới mà phong trào du kích theo chủ nghĩa Mao muốn thành lập. Họ kiên quyết đảm nhận vai trò lãnh đạo. Thứ tư hôm nay là một ngày nắng ấm đối với phe cộng sản Nepal nhưng lại là một ngày âm u đối với hoàng gia. Bị đa số dân chúng oán ghét, Quốc vương Gyanendra trở thành một thường dân, buộc phải thoái vị và rời khỏi hoàng cung, nơi mà ông ngự trị từ năm 2001 sau khi hoàng huynh của ông và toàn gia bị một người cháu thảm sát. Từ nay, Gyanendra có thể dành hết thời giờ vào doanh nghiệp gồm khách sạn và công ty sản xuất thuốc lá.

Sau 240 năm chế độ quân chủ, hình ảnh quen thuộc của vương quốc Nepal nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ không còn nữa. Ngày nay, những người theo chủ nghĩa Mao lên nắm chính quyền không bằng mũi súng mà qua lá phiếu, sẽ áp đặt cải cách. Cải cách đầu tiên sẽ là thành lập một nước Cộng hoà Liên bang, tản quyền. Prachanda, người lãnh đạo phong trào du kích giành được thắng lợi chính trị, chắc chắn sẽ nắm ghế Thủ tướng hoặc Tổng thống. Trong mọi trường hợp, Quốc hội lập hiến có hai năm để xây dựng một chế độ mới.

Một khi chế độ quân chủ được bãi bỏ, 601 vị dân biểu sẽ phải thảo ra một bản Hiến pháp mới cho Nepal, trong vòng 2 năm sắp tới. Thế nhưng, chưa ai dám dự phóng, chặng đường mới này sẽ đưa Nepal đến một chế độ thực sự dân chủ và hoà bình, hay ngược lại, đất nước này sẽ rơi vào khủng hoảng mới.

Hậu quả hàng chục năm nội chiến dẫn đến cái chết của hơn 13 ngàn người, sẽ khó mà khắc phục nhanh chóng. Bạo lực có thể tái diễn, nếu tiến trình hoà giải lâm bế tắc. Hôm qua, 2 người đã bị thương trong một vụ nổ tại Katmandou. Ngày hôm trước, thứ hai, 3 vụ bạo hành cũng đã diễn ra, nhưng may mắn không gây thiệt hại nhân mạng. Tuy nhiên, cuối tháng qua, vụ một doanh nhân ở Katmandou bị các phần tử Maoít sát hại, gây thêm nhiều lo ngại về năng lực lãnh đạo của tổ chức này. Theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia của Nepal, đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức quy tụ giới sinh viên tham gia đảng Cộng sản Nepal Maoít, vẫn làm mưa làm gió trong những lãnh thổ họ kiểm soát. Họ bị ghép vào nhiều vụ vi phạm nhân quyền như tội sát nhân, bắt cóc, đánh đập, tống tiền, phá họai các khu nhà ở hoặc hệ thống cung cấp nước ngọt, trong nhiều ngôi làng. Mặt khác, cho tới nay, lực lượng du kích maoít gồm hơn 30 ngàn người vẫn chưa bị giải tán, cho dù đây là một điều kiện tiên quyết mà nhiều đảng chính trị đã đặt ra đối với phe maoít, để có thể tiến đến thành lập một chính phủ liên minh. Xin nhắc lại, phe maoít đã chiếm được 30% ghế trong Quốc hội, sau tổng tuyển cử tháng 4. Nhưng vì chưa đạt đa số tuyệt đối, họ phải tìm liên minh để nắm chính quyền. Đây là bước thử nghiệm cơ bản cho phe maoít trong việc thực sự cải đổi một lực lượng chiến đấu thành một tổ chức chính trị
Bảo Thạch
(Ảnh : Reuters : Lãnh đạo phe maoist Prachanda, ngày 21/04/2008, chiến thắng trong cuộc bầu cử)

Không có nhận xét nào: