Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

MIẾN ĐIỆN : Các nhà tài trợ nghi ngờ sự tráo trở của giới cầm quyền.

25/05/2008_ Chuẩn bị cho kịch bản tốt đẹp nhất những chưa mấy tin tưởng vào những điều hứa hẹn của chính quyền, đó là tâm trạng chung của các cơ quan cứu trợ nhân Hội nghị Rangoun, hôm nay. Bởi vậy mà Hội nghị này cho dù mang tên là Hội nghị các nhà tài trợ, nhưng thực chất lại là cuọc họp để cộng lực đòi chính quyền Miến Điện minh bạch hoá, mở cửa cho thế giới được quyền tiếp xúc tại chỗ với người tỵ nạn.

Thông điệp chung của khoảng 52 quốc gia và 24 tổ chức nhân đạo nhóm họp hôm nay tại Rangoun, đó là nếu các tướng lãnh Miến Điện muốn nhận viện trợ lâu dài để tái thiết thì ngay từ bây giờ, họ phải bật đèn xanh cho nhân viên và chuyên gia nước ngoài đến giám sát và tiếp cận với các vùng bị tàn phá nhất bởi trận bão Nargis đầu tháng 5 vừa qua. Ngược lại, nếu Miến Điện không mở cửa thêm thì tiền và hàng cứu trợ sẽ khó mà được quyên góp.

Hiện nay, tập đoàn quân phiệt Miến Điện cho biết họ hy vọng nhận được hơn 10 tỷ đô la để tái thiết. Nhưng Liên Hiệp Quốc đặt ưu tiên ở việc cấp thiết cứu trợ những người sống sót. Con số ước định nạn nhân cần được cứu giúp lên đến 2,4 triệu, trong số này, vẫn theo Liên Hiệp Quốc, 3/4 chưa hề nhận được sự giúp đỡ nào. Ngoài ra, chỉ có một nhóm các chuyên gia nước ngoài được quyền hoạt động tại Rangoun và họ không được quyền ra khỏi phạm vi thành phố, nói chi đến việc tự do tiếp xúc với người tỵ nạn ở châu thổ Irrawaddy, nơi tối thiểu là hàng trăm ngàn người đang ngóng chờ thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất.

Trong quá khứ, việc chính quyền quân phiệt Miến Điện thường xuyên trở mặt là điều mà mọi người, ngay cả các nước thành viên ASEAN, khó mà phủ nhận. Cuối năm ngoái, họ đã tài tình che mắt Liên Hiệp Quốc trong vụ tiếp xúc nửa vời với lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi. Sau khi đàn áp dã man phong trào biểu tình do các nhà sư khởi xướng, khiến cho hàng trăm người bị thiệt mạng hoặc mất tích, họ đã tuyên bố đồng ý đối thoại với bà Aung San Suu Kyi. Rất mau chóng, một khi áp lực của thế giới giảm nhẹ, bà Aung San Suu Kyi vẫn bị giam giữ trong tư gia, đối thoại không được duy trì và chính quyền củng cố cho quyền quyền lực quân đội, thông qua một vụ trưng cầu dân ý được dàn dựng. Ngay cả đối với Liên Hiệp Quốc, chính quyền Miến Điện thường xuyên tỏ vẻ thách thức, xem thường. Xin nhắc lại, đặc sứ Liên Hiệp Quốc, trong quá khứ, ông Razali Ismael đã bị khước từ chiếu khán nhập cảnh trong 22 tháng liên tiếp. Vị đại diện mới của Liên Hiệp Quốc, ông Gambari cũng chưa đạt kết quả nào thông qua đối thoại với các tướng lãnh Miến Điện. Do đó mà ngày hôm nay, nhân Hội nghị các nhà tài trợ Rangoun, không mấy ai đặt tin tưởng vào những lời hứa suông của chính quyền. Ngược lại, nhiều tiếng nói yêu cầu gắn liền việc cung cấp tín dụng với điều kiện chính quyền bãi bỏ mọi sự ngăn cấm đối với các tổ chức nhân đạo nước ngoài, bất kể Tây phương hay Đông phương. Đại diện của tổ chức Human Rights Watch hôm nay cũng lên tiếng nhắc lại hành vi bạo ngược, nuốt lời hứa của các tướng lãnh Miến Điện, để kêu gọi cảnh giác trước nguy cơ các mưu đồ mới.

Mạt cưa mướp đắng. Tình hình có thể chuyển biến không có lợi cho các nhà lãnh đạo Miến Điện. Nhiều nhà phân tích đánh giá ngày hôm nay bản thân Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhận được cam kết của lãnh tụ cao nhất thuộc tập đoàn quân phiệt. Nếu ông Ban Ki Moon bị thất bại, Tổng Thư ký sẽ có cách đưa tập đaòn nắm quyền tại Miến Điện ra trước Hội đồng Bảo an và thuyết phục các cường quốc như Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong trường hợp trừng phạt nhóm tướng lãnh này. Nếu Hội đồng Bảo an ra tay thì trong mọi tình huống, người dân Miến Điện sẽ không thể sa sút hơn là tình trạng bị mang con bỏ chợ như hiện nay.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Miến Điện, 25/05/2008)

Không có nhận xét nào: