Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2008

VIỆT NAM: Lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA

01/01/2008_ Hôm nay, Việt Nam chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ hai năm 2008-2009. Theo lịch trình, ngày 16 tháng 10 tới, Việt Nam với tư cách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an sẽ cùng với Indonesia làm đại diện cho châu Á tại Hội đồng này. Trước đó, vào tháng bảy, Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an.

Tuy rằng việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an là chuyện bình thường đối với nhiều nước khác, nhưng Việt Nam xem đây là một sự kiện quan trọng, nâng cao vai trò của nước này trên trường quốc tế.

Để chuẩn bị cho vai trò mới này, vào đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bổ nhiệm ông Lê Lương Minh, đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, làm đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an. Với cương vị này, ông Lê Minh Lương sẽ có trọng trách đại diện cho Việt Nam phát biểu ý kiến và bỏ phiếu tại các cuộc họp chính thức của Hội đồng Bảo an. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ, vì kể từ nay, thông qua vị đại diện này, Việt Nam sẽ phải xác định rõ ràng lập trường của mình trên các hồ sơ lớn của quốc tế. Những lúc đó, bãn lĩnh của một quốc gia sẽ lộ rõ. Liệu Việt Nam có biết cưỡng lại sức ép của những nước lớn hay không, đặc biệt là sức ép từ phía đàn anh Trung Quốc ? Với tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam cũng sẽ phải bày tỏ thái độ rõ ràng về những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như tình hình Miến Điện. Là một quốc gia cũng thường bị các tổ chức quốc tế lên án về những vi phạm nhân quyền, Việt Nam sẽ bỏ phiếu ra sao khi Hội đồng Bảo an biểu quyết về một nghị quyết liên quan đến Miến Điện ? Ấy là chưa kể, tình hình thế giới luôn diễn biến phức tạp, buộc đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an phải nhanh chóng thông qua các quyết định, chứ không phải lúc nào cũng phải xin chỉ thị của Bộ chính trị.

Mặt khác, như đại sứ Mỹ đã nhấn mạnh khi phát biểu tại một cuộc hội thảo về vai trò thành viên không thường trực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, một quốc gia tham gia Hội đồng Bảo an không phải chỉ là nhằm bảo vệ cho quyền lợi riêng, mà đúng hơn là để phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng thế giới. Cụ thể là Hoa Kỳ muốn Việt Nam bắt đầu gởi quân tham gia các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là một vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, một quốc gia chỉ quen chống quân xâm lăng hoặc đưa quân sang chiếm nước láng giềng Căm Bốt, chứ chưa bao giờ đi bảo vệ hòa bình cho nước khác.

Ngoài ra, với tư cách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam lại càng phải tuân thủ nghiêm chỉnh các công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết, đặc biệt là Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Thế mà trong luật pháp Việt Nam hiện còn một số điểm chưa tương đồng với các công ước đó, chẳng hạn như điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam về tội danh Tuyên truyền chống Nhà nước vẫn bị coi là trái ngược với quyền tự do ngôn luận đã quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và trong Hiến pháp Việt Nam. Các nước phương Tây, đặc biệt Hoa Kỳ trong năm qua đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải hủy bỏ điều 88 nói trên và nói chung là phải điều chỉnh các luật lệ, để trên thực tế các quyền tự do căn bản của người dân được tôn trọng đầy đủ hơn. Dẫu sao, xây dựng một nhà nước pháp quyền và phát triển một xã hội dân sự cũng chính là những điều kiện cơ bản để Việt Nam bảo đảm được một mức tăng trưởng.
Thanh Phương
(Ảnh : vietnam.vnanet.vn : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, tại khóa họp đại hội đồng, tháng 9 năm 2007)

Không có nhận xét nào: