03/01/2008_ Giá dầu tăng nhanh và liên tục buộc các nước phát triển phải chú trọng tới vấn đề tiết kiệm nhiên liệu, thế nhưng, đồng thời lại thúc đẩy các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung quốc và Ấn độ, quay lại sử dụng than nhiều hơn.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất, vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, các nước công nghiệp phát triển, một mặt chú trọng đầu tư vào năng lượng nguyên tử, khí tự nhiên và năng lượng tái sinh, mặt khác, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm.
Để đánh giá được mức độ sử dụng hiệu quả năng lượng tạo ra của cải vật chất, các nhà chuyên môn thường nói đến chỉ số cường độ năng lượng, intensité énergétique, tức là mức tiêu thụ năng lượng trong tổng sản phẩm nội địa, PIB, ở đây, mức hao tốn năng lượng tính bằng tấn dầu lửa cho 1000 đô la PIB. Như vậy, cường độ này càng thấp chứng tỏ hiệu quả sử dụng năng lượng càng cao.
Về điểm này, châu Âu đang dẫn đầu thế giới, với cường độ năng lượng thấp hơn 30% so với mức của Hoa Kỳ, thấp hơn 40% so với Trung Quốc và thậm chí thấp hơn 3 lần so với các nền kinh tế thuộc Liên xô cũ hay các nước Trung Đông.
Vừa qua, châu Âu còn đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 nâng tỷ lệ năng lượng tái sinh lên tới 20% trong tổng mức tiêu thụ năng lưọng và giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vào lúc giá dầu lên tới 100 đô la một thùng và do các đòi hỏi về môi trường như chống hiệu ứng nhà kính, một số nước châu Âu dường như có xu hướng quay trở lại phát triển điện nguyên tử.
Tuy vậy, theo cơ quan năng lượng quốc tế, AIE, trên thế giới, than vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong sản xuất điện, khoảng 40%. Hơn cả khí đốt, chỉ có 20%, thủy điện 16%, năng lượng hạt nhân 15%. Chính vì vậy, từ nay đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới sẽ tăng gấp đôi, chủ yếu do Trung quốc và Ấn độ. Theo ông Cédric Philibert, chuyên gia thuộc AIE, trong năm 2006, tính trung bình, mỗi tuần, Trung quốc xây dựng các cơ sở sản xuất điện tương đương ba nhà máy nhiệt điện. Về chi phí cho một kilowa/h, dùng than rẻ hơn hẳn dầu lửa hay khí đốt. Còn xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thì đòi hỏi nhiều thời gian và vốn đầu tư lớn.
Mỗi khi giá dầu tăng vọt, người ta lại nói nhiều đến năng lượng tái tạo. Thế nhưng, cho đến nay, nguồn nhiên liệu này vẫn chỉ dừng ở mức rất khiêm tốn bởi nhiều lý do, như chi phí sản xuất đắt, hạn chế về công nghệ. Trong một số lĩnh vực, việc chuyển đổi năng lượng cũng gặp nhiều khó khăn như giao thông vận tải, hoá chất v.v.
Trong khi đó, than lại có nhiều « lợi thế » như giá rẻ, vận chuyển dễ và trên thế giới, trữ lượng còn rất lớn, 165 năm khai thác, còn dự trữ dầu lửa chỉ là 40 năm và khí đốt là 60 năm.
Theo cơ quan năng lượng quốc tế, trong nhiều thập niên tới đây, cho dù giá cả có thể vẫn tiếp tục leo thang, nhưng dầu lửa vẫn là nhiên liệu chủ đạo của các nền kinh tế. Từ nay đến 2030, nhu cầu tiêu thụ dầu lửa toàn thế giới sẽ tăng 37%. Việc giá dầu lửa tiếp tục tăng cao sẽ khuyến khích xu hướng dùng loại nhiên liệu hóa lỏng, chế biến từ than, như lại thải ra lượng khí C02 nhiều gấp ba lần các loại nhiên liệu cổ điển. Do vậy, than mới là kẻ thù của môi trường.
Đức Tâm
(Ảnh : www.asa3.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét