Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2008

INDONESIA: Suharto chết ... nhưng chưa hết gây tranh luận

27/01/2008_Tại Indonesia, cái chết của nhà cựu độc tài, tướng Mohammed Suharto đánh dấu sự mở đầu cuộc tranh luận về công và tội của nhân vật này.

Kể từ ngày 4 tháng giêng, khi nhà cựu độc tài Mohammed Suharto được đưa vào bệnh viện cứu cấp, công luận Indonesia xôn xao bàn tán về vai trò của ông trong suốt hơn 30 năm cầm quyền, từ 1967 đến 1998. Mấy tuần nay, khi tướng Suharto hấp hối, đa số các bài báo tại Indonesia bình luận về ông với nhiều thiện cảm, nhưng trong thực tế, di sản ông để lại đã bắt đầu bị xét lại. Nhiều người đòi hỏi phải làm sáng tỏ những trang sử đen tối của nước này, đặc biệt đợt thảm sát, ít nhất là nửa triệu người vào thập niên 60 và tệ nạn làm giàu bất chính đã khiến cho ông Suharto bị xem là nhà lãnh đạo tham nhũng nhất thế giới.

Theo báo Djakarta Post, số đề ngày 25 tháng giêng vừa qua, việc thông tin một chiều về sự kiện Suharto thập tử nhất sinh là một chiến dịch đánh lạc hướng dư luận. Theo ông Heru Hendratmoko, thuộc Liên minh các Phóng viên Độc lập, nhiều người đã lợi dụng tình trạng sức khỏe bi đát của tướng Suharto để đánh vào tình cảm, thúc đẩy sự tha thứ. Mục tiêu tối hậu là tẩy xóa những tội ác của Suharto. Nhiều thế lực vô hình đã cố tình nhắc lại « nghĩa tử nghĩa tận » để che đậy cho cố tật đã ăn sâu vào đời sống chính trị nước này là phủi tay, không chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây nên.

Điều chắn chắn là kể từ ngày hôm nay, Suharto không còn nữa. Một nhà bình luận người Indonesia, Julia Suryakusuma, gần đây đã viết trên nhật báo International Herald Tribune : Cái chết của Suharto sẽ là cơ hội để nước này đối mặt với những sự im lặng đè nặng 40 năm qua. Nguyên nhân là vì khi còn sống, ông Suharto không muốn trả lời về vai trò của ông trong vụ sát hại từ 500 ngàn đến 1 triệu người, giai đoạn 1965 đến 1966, trong các đợt thanh trừng « cộng sản » tại Indonesia. Cũng vì lý do này, khoảng một triệu người đã bị cầm tù. Theo tướng Suharto, chính quyền ngăn chặn một vụ đảo chính do người cộng sản mưu toan thực hiện.

Thế nhưng, theo các nhà bảo vệ nhân quyền, tất cả các tình huống chung quanh việc này, cũng như các tác giả vụ thảm sát quy mô như trên, cho đến nay vẫn bị chìm vào quên lãng. Theo họ, chính quyền thường đưa ra lập luận không nên đào bới trong quá khứ, để tìm cách tránh né một cuộc điều tra nghiêm túc, có thể dẫn đến nhiều tiết lộ long trời lở đất, ví dụ như vai trò của các tổ chức Hồi giáo trong các đợt thanh trừng, các vụ vi phạm nhân quyền hàng loạt của quân đội Indonesia và quan trọng nhất là các phát hiện, nếu xẩy ra, có thể đe dọa đến tính chính đáng của tướng Suharto. Xin nhắc lại ông đã lật đổ Sukarno lên nắm chính quyền, sau các vụ thảm sát kể trên, nhân danh công cuộc bài trừ cộng sản. Nhiệm vụ của các nhà sử học cũng như của xã hội công dân, theo các tổ chức nhân quyền Indonesia là thiết lập các ủy ban điều tra, theo kiểu Ủy ban Sự thật và Hoà giải ở Nam Phi, để có thể đặt nền móng chắc chắn cho nền dân chủ nước này. Bên cạnh đó, việc tướng Suharto và gia đình bị cáo buộc đã biển thủ ít nhất từ 15 đến 35 tỷ $, theo tổ chức Transparency International, ngày nay vẫn còn đợi các toà án và các điều tra viên đưa ra kết luận.

Ngược lại với sự mong đợi của một phần không nhỏ trong xã hội Indonesia, phe bênh tướng Suharto nhấn mạnh đến thành quả phát triển đất nước, mà hơn 30 năm cầm quyền của ông đã mang lại cho Indonesia. Ở đây, cần nhắc đến những lời tuyên dương công trạng cho Suharto đến từ cửa miệng ông Lý Quang Diệu, cựu lãnh đạo Singapor : « Nhất tướng công thành vạn cốt khô ». Thế hệ các vị cha già dân tộc như Suharto và Lý Quang Diệu quả đã để lại dấu ấn đậm nét trong khu vực. Nhưng trong điều kiện mới, rất có thể là mai đây, di sản Suharto để lại sẽ là hình ảnh một trong những lãnh tụ độc tài và thối nát bậc nhất thế kỷ 20.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP)

Không có nhận xét nào: