Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008

QUAN HỆ TRUNG - ẤN : Vẫn tiềm ẩn những căng thẳng

13/01/2008_ Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ tuy được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều căng thẳng.

Trong thế kỷ 21, Ấn độ và Trung Quốc nổi lên như hai nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục. Là hai quốc gia đông dân nhất hành tinh, các tham vọng, lợi ích của Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn ảnh hưởng tới trật tự thế giới mới hậu chiến tranh lạnh. Thế nhưng, bang giao giữa hai nước rất phức tạp. Mặc dù đã được cải thiện trong những năm vừa qua, nhưng mối quan hệ này còn tiềm ẩn nhiều căng thẳng. Đó là nhận định của giới phân tích nhân chuyến công du Trung Quốc, bắt đầu ngày hôm nay, của thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh.

Báo trên mạng Asia Times nhấn mạnh, Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có tranh chấp về đường biên giới chung dài hàng ngàn cây số mà còn có ý đồ mở rộng vùng ảnh hưởng của mình. Năm 1962, Ấn Độ đã mất hơn 22 ngàn cây số vuông sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ dựa vào Liên xô cũ để trang bị vũ khí. Năm 1998, khi tiến hành thử nguyên tử, Ấn Độ giải thích là để đối phó với mối đe dọa đến từ nước láng giềng khổng lồ. Trong khi đó, Trung Quốc lại giúp Pakistan về mặt quân sự. Cho đến tận tháng 3 năm 2002, hai nước vẫn không có các chuyến bay chở khách trực tiếp. Trao đổi mậu dịch hai chiều chỉ dừng lại ở mức khoảng 5 tỷ đô la.

Phải đợi đến tháng sáu năm 2003, quan hệ song phương mới có những bước đột phá đáng kể nhân chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee. Trong vấn đề tranh chấp biên giới, Bắc Kinh và New Delhi nhấn mạnh đến việc tìm kiếm một giải pháp chính trị ngoại giao. Năm 2005, trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, hai nước đã đề ra được các nguyên tắc giải quyết hồ sơ này, đồng thời, quyết định nâng mối bang giao lên tầm quan hệ đối tác hợp tác và chiến lược.

Trong 11 tháng đầu năm 2007, trao đổi mậu dịch Trung-Ấn đạt mức 34,2 tỷ đô la. Tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên, quân đội hai nước tiến hành tập trận chung. Đầu năm 2007, đường dây điện thoại nóng được thiết lập giữa hai bộ ngoại giao, các cơ quan lãnh sự được mở tại Quảng châu – Trung Quốc và Kolkata - Ấn Độ. Giao thông hàng không được mở ra nối liền phía đông Ấn Độ với phía nam Trung Quốc và giờ đây, mỗi tuần có tới 22 chuyến bay trực tiếp giữa hai nước. Trên diễn đàn quốc tế, hai nước có lập trường chung trong một số hồ sơ quan trọng như vấn đề thay đổi khí hậu trên trái đất hay đàm phán tự do mậu dịch trong khuôn khổ tổ chức thưong mại thế giới.

Thế nhưng, những cải thiện quan hệ nói trên vẫn không che lấp được các căng thẳng tiềm tàng giữa hai nước.

Về kinh tế, Ấn Độ đang phải đương đầu với gánh nặng nhập siêu từ Trung Quốc, hơn 9 tỷ đô la trong năm 2007, vào năm 2005, con số này chỉ là 843 triệu đô la. Mặc dù đã thừa nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường nhưng Ấn Độ không mặn mà với việc ký hiệp định tự do mậu dịch song phưong.

Về địa lý chính trị, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu về hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự được ký kết giữa New Delhi là Washington. Theo báo chí Trung Quốc, thoả thuận này tác động xấu đến tiến trình ngăn chặn vũ khí nguyên tử bởi vì Ấn Độ chưa ký hiệp định không phổ biến hạt nhân.

Trong lúc đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự với Pakistan, quốc gia luôn có quan hệ căng thẳng với Ấn Độ. Chiến lược « chuỗi ngọc trai » của Băc kinh, trong đó có việc xây dựng một loạt căn cứ hải quân dọc theo bờ Ấn Độ Dương đã làm cho chính quyền New Delhi không yên tâm.

Mặt khác, việc Ấn Độ tham gia đối thoại bốn bên cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc làm cho chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ là các nước này muốn lập một « vòng cung dân chủ » cô lập Trung Quốc.

Do vậy, theo Asia Times, đặc trưng cho các phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian gần đây là mang tính biểu tượng nhưng ít nội dung thực chất. Ví dụ, trong cuộc tâp trận chung vừa qua, các chuyên gia quân sự cho biết là có rất ít thông tin quân sự quốc phòng có giá trị được trao đổi giữa hai nước. Mục tiêu của cuộc tâp trận là chống khủng bố trong khi đó, mối đe dọa khủng bố lớn nhất hiện nay đối vơí Ấn Độ là tới từ Pakistan.

2007 là năm phát triển quan hệ hữu nghị qua du lịch giữa hai nước. Thế nhưng, chỉ có hơn 67 ngàn du khách Trung Quốc sang Ấn Độ trong tổng số 35 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.

Các nhà phân tích cho rằng trong chuyến công du Trung Quốc lần này của thủ tướng Ấn độ, hai nước có thể chỉ nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế, các lập trường chung trên một số hồ sơ quốc tế như môi trường, đàm phán thương mại thế giới. Ít có khả năng là Bắc Kinh và New Dehli đưa ra được những sáng kiến ngoạn mục giải quyết tranh chấp lãnh thổ, bởi vì hồ sơ này đã đi vào giai đoạn phải xử lý một cách thực chất và cụ thể.
Đức Tâm
(Ảnh : images.china.cn : Thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN, 11/2007, tại Singapore)

Không có nhận xét nào: