Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

HOA KỲ: G.Bush và phe Dân chủ đồng thuận phục hồi kinh tế

25/01/2008_Kế hoạch phục hồi kinh tế của Mỹ tạo ra tâm lý thuận lợi trong nhất thời, nhưng chưa đẩy lùi nguy cơ suy thoái.

Kế hoạch kích thích kinh tế mà tổng thống George Bush và phe đối lập Dân chủ vừa đạt được đồng thuận hôm qua đã được thị trường tài chính đón nhận như một luồng gió mới. Khắp nơi từ Âu sang Á, các sàn trao đổi chứng khoán đều khởi sắc. Nhưng giới phân tích cảnh báo là kế hoạch này sẽ chậm mang lại kết quả và do vậy cường quốc kinh tế số một khó tránh được tình trạng suy thoái.

Theo nhận định của giáo sư kinh tế Peter Morici, đại học Maryland, thì cho tiền người tiêu dùng để họ đi mua sắm là giải pháp hay nhất để vực dậy kinh tế. Khởi đi từ quan điểm này, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ thỏa thuận với nhau tung ra một dự án kích thích kinh tế 150 tỷ đô la. Phần lớn của số tiền khổng lồ này dùng để giảm thuế cho người dân có lợi tức thấp và bớt gánh nặng thuế má cho các công ty xí nghiệp.

Mục tiêu là làm sao 117 triệu công dân Mỹ có tiền ngay từ 300 đến 1200 đô la để tiêu xài, để tăng khả năng mua sắm. Những người nghèo thuộc thành phần không đóng thuế cũng nhận được chi phiếu trong vài tuần lễ tới đây. Phải nói thêm là liều thuốc vitamine này đã từng được sử dụng một lần trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Bush năm 2001 và đã giới hạn được quy mô suy thoái kinh tế Mỹ lúc bấy giờ. Lần này, Washington cũng đưa ra được một chương trình cứu nguy rất cụ thể, công bố đúng lúc, tức là ngay sau khi bộ Tài chính giảm lãi xuất chỉ đạo ở mức kỷ lục 0,75%.

Kinh tế gia độc lập Bernard Baumohl nhận định : Giải pháp vực dậy kinh tế được tung ra một cách khẩn cấp, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế mọi khuynh hướng, làm cho người dân tin tưởng hơn vào tương lai. Họ yên tâm tiêu dùng để kích động cỗ máy kinh tế quốc gia.

Vấn đề là không chắc là người dân Mỹ sẽ tiêu hết tiền giảm thuế. Có nhiều khả năng họ sẽ gởi một phần vào quỹ tiết kiệm và để trả những món nợ đang thiếu. Nhiều nhà phân tích lưu ý là phải mất một thời gian, sớm lắm là đến mùa hè, ngân phiếu của chính phủ mới tới tay người dân vì hiện nay sở thuế rất bận rộn. Bây giờ là mùa khai thuế, nhân viên sở thuế không đủ thời giờ để tính coi phải hoàn cho mỗi công dân bao nhiêu tiền. Nói cách khác, toa thuốc chống khủng hoảng của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ không thể mang lại thành tựu nhanh chóng như mong đợi. Lawrence Mishel, kinh tế gia thuộc viện Chính sách Kinh tế - Economic policy institut- cũng như Robert Greenstein, chủ tịch Trung tâm Ngân sách và Chính sách Ưu tiên - Center on Buget and Policy Priorities - lấy làm tiếc là chính phủ không tăng trợ cấp thất nghiệp và phân phát phiếu mua thực phẩm. Đây mới là giải pháp gây hiệu năng tức thời.

Tóm lại, những biện pháp kích thích tăng trưởng của Hoa Kỳ đã tức khắc tạo được xung lực trên các thị trường chứng khoán thế giới, xóa bớt âu lo sau hai ngày tuột dốc liên tục. Tại Á châu, người ta chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định bớt 1/4 điểm lãi suất chỉ đạo vào tuần tới, để kích thích mạnh mẽ hơn nữa lãnh vực tài chính và bất động sản. Nhưng một nhà chiến lược kinh tế của tập đoàn Hồng Kông Sun Hung Kai cảnh báo là thị trường tài chính thế giới còn rất mong manh. Chỉ cần một tin xấu thôi cũng đủ làm cho tình trạng tuột dốc tái diễn. Nói cách khác, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn rình rập cường quốc số môt.
Tú Anh
(Ảnh : Reuters : Tổng thống George Bush và bộ trưởng Ngân khố Henry Paulson, tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 17/01/2008)

Không có nhận xét nào: