Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

THAM NHŨNG: Nhiều thành viên gia đình Suharto trong tầm ngắm của tư pháp Indonesia

30/01/2008_ Tại Indonesia, sau khi nhà độc tài Suharto qua đời, nhiều vụ án chống tham nhũng đang nhắm vào các đối tượng thuộc gia đình ông.

Tại Djakarta, hôm qua, thẩm phán Wahjono, người đang thụ lý hồ sơ điều tra về các vụ tham nhũng của nhà cựu độc tài Suharto, đã tuyên bố rằng chiếu theo bộ luật hình sự của Indonesia, một khi tổng thống Suharto đã qua đời, thì những người thừa kế ông phải trả lời trước công lý về những tội danh này.

Theo các ước tính, ông Suharto và gia đình bị tình nghi đã biển thủ từ 15 đến 35 tỷ $ trong thời gian 32 năm cầm quyền. Theo Ngân hàng Thế giới, ông Suharto đã đút túi từ 0, 6% đến 1,3% tổng sản lượng quốc nội của Indonesia. Phu nhân tổng thống Suharto, bà Siti Hartinah, trước khi qua đời năm 1996, đã bị công luận gán cho biệt danh là « Bà tổng thống 10% », bởi vì đó là tỷ lệ hoa hồng phải trả cho bà trên các hợp đồng làm ăn tại Indonesia. Toàn bộ sáu người con của Suharto cũng đã trở thành triệu phú đôla. Họ được tiến cử nắm giữ các chức vị then chốt của nhiều tập đoàn tài chính để thao túng nhiều lĩnh vực như : địa ốc, ngân hàng, xa lộ có thu thuế, viễn thông, dầu hỏa, truyền thông, ngành hóa dầu, công nghiệp xe hơi và chuyên chở hàng không.

Sự giàu có vượt bực của gia đình Suharto bắt nguồn từ việc các người con của ông đã được hưởng độc quyền trong lĩnh vuc xuất nhập cảng và ngành phân phối. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước Indonesia cũng phải giành cho họ nhiều đặc quyền đặc lợi. Đó là trường hợp của hãng hàng hhông Garuda và tập đoàn năng lượng Pertamina, cả hai đều bị đặt dưới quyền quản lý của Nhà nước, cho nên gia đình Suharto mới tự do đục khoét tài sản thông qua các kẻ thừa hành.

Do đó mà tài sản của vị trưởng nam Suharto, ông Bambang Trihatmojo, được ước định lên đến 200 triệu $. Tạp chí Mỹ Forbes xếp hạng ông ở vị trí thứ 33 trên danh sách những người giàu nhất Indonesia. Kể từ 1998, gia đình Suharto đã nỗ lực bán đi các phần tài sản quá lộ liễu, các cổ phần bị phát hiện trong nhiều tập đoàn lớn.

Tuy vậy, theo ông Todung Mulya Lubis, thuộc tổ chức Transparency International Indonesia, các người con của Suharto có thể bị xét xử vì các vụ biển thủ tài sản mà ông Suharto đã cố tình che đậy, thông qua một tổ chức từ thiện do ông sáng lập. Tổ chức này mang tên là Supersemar Scholarship Foundation.

Xin nhắc lại chỉ riêng trong hồ sơ tổ chức từ thiện này, các nhà điều tra đã phát hiện là tổng thống Suharto, khi còn tại chức, đã ép buộc bộ trưởng Tài chính, ông Ali Wardhana, ký nghị định, theo đó, toàn bộ các ngân hàng Indonesia phải trích 2,5% lợi nhuận của mình, bỏ vào quỹ của tổ chức từ thiện kể trên. Các thẩm phán cho biết, thay vì sử dụng các món tiền kếch sù này để giúp đỡ các sinh viên, học sinh nghèo, thì tổ chức này đã chi trả một cách rất mờ ám vào tay các doanh nhân dính líu với mạng lưới gia đình Suharto.

Việc làm bất chính của gia đìnhSuharto đã bị phanh phui một phần như trên, thế nhưng, trong mấy năm qua, viện dẫn lý do sức khỏe, nhà cựu độc tài vẫn không phải ra hầu toà. Ngày nay, theo nhiều nhà quan sát, một khi vị gia trưởng không còn nữa thì tầng lớp các quan chức được Suharto cất nhắc vào chính quyền có thể bỏ rơi các đứa con của ông. Lý do đơn giản là các quan chức này đã mang món nợ với Suharto, chớ không phải đối với gia tộc ông.
Bảo Thạch
(Ảnh : news.bbc.co.uk : Bambang Trihatmojo, con trai cả của nhà cố độc tài Indonesia Suharto)

Không có nhận xét nào: