Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008

BẦU CỬ TỔNG THỐNG SERBIA : Cử tri phải lựa chọn giữa phe thân Nga và xu hướng xích lại gần châu Âu

20/01/2008_ Ngày hôm nay, Serbia bầu tổng thống trong bối cảnh lãnh thổ Kosovo nay mai tuyên bố độc lập đã trở thành điều chắc chắn như đinh đóng cột.

Do đó mà việc chọn mặt gửi vàng của cử tri tại vòng một bầu cử tổng thống Serbia mang một ý nghĩa trọng đại đối với tương lai nước này, giữa hai ứng cử viên sáng giá nhất. Ông Boris Tadic, tổng thống mãn nhiệm, là nhân vật được đánh giá là thân châu Âu, trong khi đó, đối thủ đáng gờm nhất của ông là Tomislav Nikolic, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ trương Serbia nên ngả theo Liên bang Nga.

Hai hồ sơ bao trùm khắp chiến dịch vận động tranh cử, đó là hồ sơ Kosovo và xích lại gần với Liên hiệp châu Âu. Bề ngòai hai chủ đề trên có không liên quan trực tiếp với nhau nhưng lại đan xen nhau.

Ở Serbia, tổng thống không có quyền hạn bằng thủ tướng, nhưng vai trò mang tính biểu tượng của tổng thống lại thúc đẩy định hướng chính trị. Vì thế mà việc lựa chọn tổng thống trong tưong lại mang tính quyết định đối với Serbia. Cho dù giới chính trị có nói gì thì giai đọan phân rã cuối cùng của Liên bang Nam tư cũ đã diễn ra. Kosovo không còn thuộc chủ quyền của Serbia nữa, đất nước này sẽ phải có đường biên giới mới. Theo cách nói của tổng thống mãn nhịêm Boris Tadic thì Serbia đang đứng trước ngã ba đường. Tổng thống mới của Serbia sẽ phải lo đối phó với nền độc lập của Kosovo và quyết định thái độ đối với châu Âu. Đó là lý do mấu chốt của cuộc bầu cử này. Ông Boris Tadic muốn tiến hơn trong quá trình hội nhập vào châu Âu. Đối thủ của ông là Tomislav Nikolic, một người có đầu óc dân tộc chủ nghĩa thì lại muốn xa rời châu Âu vì Liên hiệp châu Âu công nhận nền độc lập của Kosovo và vì ông ta thích dựa vào nước Nga hơn.

Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu mong muốn tổng thống mãn nhiệm Boris Tadic thắng cử. Đối vơí Tây phương, ông Tadic được xem là người có đủ năng lực đối phó với tình trạng nguy hiểm trước mắt. Vào tháng 2 sắp tới, như dự trù, Kosovo sẽ tuyên bố độc lập và sự kiện này chắc chắn sẽ gây náo động tại Serbia, châm ngòi lửa vào các khuynh hướng dân tộc cực đoan tại nước này.

Washington và Bruxelles, mặt khác, chiêu dụ công luận Serbia với triển vọng hoà nhập nước này vào đại gia đình châu Âu. Cuối tháng giêng này, vào ngày 28, trên nguyên tắc Bruxelles và Beograd sẵn sàng đặt bút ký vào một thoả thuận ổn định và liên kết, chặng đường đầu tiên trong tiến trình hội nhập vào khối Liên hiệp châu Âu. Theo thăm dò dư luận, 2/3 người Serbia mong muốn sớm gia nhập Liên hiệp châu Âu. Họ xem đây là chìa khóa thần, cho phép nước này hưởng các nguồn tài trợ phát triển dồi dào, tham gia vào một thị trưòng lao động rộng lớn, cho phép các công dân Serbia du lịch tự do và quan trọng nhất là được thoát ra khỏi thế cô lập hiện nay.

Thế nhưng, tuyệt đại đa số người Serbia vẫn nhất định không muốn để mất Kosovo, một lãnh thổ được xem là một cái nôi lịch sử của Serbia, cho dù trong thời kỳ hậu chiến Kosovo đã được đặt dưới quyền quản trị của Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 1999. Ngày hôm nay, trong số 9 ứng cử viên tổng thống, chỉ có một người công khai khẳng định Kosovo đã mất và Serbia vẫn phải đi tới với châu Âu. Nhân vật này, theo thăm dò, chỉ gặt hái được 5% dự định bỏ phiếu.

Ứng cử viên theo thăm dò chiếm được nhiều dự định bỏ phiếu nhất là Tomislav Nikolic, gương mặt nổi bật nhất trong các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ông chủ trương xiết chặt quan hệ vơí Matxcơva và tẩy chay Bruxelles. Ông đã từng viện dẫn lý do Liên hiệp châu Âu chuẩn bị công nhận nền độc lập của Kosovo để thề thốt thà làm một địa phương của Nga còn hơn là dấn thân vào Liên hiệp châu Âu. Thái độ triệt để của ứng cử viên này đã được tổng thống Nga gián tiếp yểm trợ. Khi viếng thăm Bulgarie, tổng thống Nga Putine đã nói rằng dự án Kosovo tuyên bố độc lập là một điều phi pháp và phản đạo lý. Tại Hội đồng Bảo an, Matxcơva đã bác bỏ mọi dự thảo nghị quyết của các nước phương Tây về nền độc lập Kosovo.

Trong bối cảnh một cuộc chạy đua giành ảnh hưởng tại Đông Âu, vùng Kavkaz và tại Trung Á, Nga và Hoa kỳ đã không thể tìm được một đồng thuận nào về Kosovo. Chính quyền Matxcơva đe doạ nếu Kosovo độc lập, Tây phương sẽ phải trả một cái giá đắt đỏ, hàm ý rằng các khuynh hướng ly tâm sẽ nổi dậy, không chỉ tại Bosnia, Moldova, Gruzia, mà ngay tại nhiều nước châu Âu khác. Cuộc mặc cả giữa đôi bên sẽ có lợi cho Matxcơva nếu ứng viên Nikolic thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vòng đầu hôm nay tại Serbia.
Bảo Thạch
(Ảnh : www.danas.co.yu : ông Tomislav Nikolic, bên trái và ông Boris Tadic, bên phải)

Không có nhận xét nào: