Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2008

VIỆT NAM: Giáo hội Công giáo quyết tâm đòi lại đất bị Nhà nước trưng dụng

29/01/2008_ Trong những ngày qua, báo chí Việt Nam, đặc biệt là tờ Hà Nội mới, đã liên tiếp đăng nhiều bài báo cho rằng Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã có hành động vi phạm pháp luật khi kích động giáo dân tiếp tục tập hợp cầu nguyện trong khuôn viên Tòa Khâm sứ cũ ở số 42 phố Nhà Chung. Theo các báo, đó là khuôn viên của các cơ quan Nhà nước. Các báo còn khẳng định là trong ngày thứ sáu tuần trước, giáo dân đã phá cổng tràn vào đánh đuổi các nhân viên bảo vệ các cơ quan.

Trước sự tấn công đồng loạt của báo chí Nhà nước, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã gởi đơn khiếu nại đề ngày 28 tháng giêng đến các báo có liên quan. Trong đơn khiếu nại này, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã phản bác những thông tin nói trên, bị coi là có nội dung hoàn toàn xuyên tạc. Theo Tòa Tổng giám mục, bản thân giáo dân cầu nguyện rất ôn hòa và bình tĩnh, chính cán bộ Nhà nước, nhân viên bảo vệ đã lăng mạ và đánh đập giáo dân. Giáo dân đã tràn vào vì quá bức xúc trước việc công an mặc thường phục bắt và đánh người một cách bất hợp pháp. Bản thân hàng giáo phẩm đã cố gắng kêu gọi giáo dân bình tĩnh, nếu không đã xảy ra ẩu đả lớn. Điều đáng nói là qua lá đơn khiếu nại này, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã thể hiện quyết tâm không lùi bước trong yêu sách đòi lại đất đai bị Nhà nước trưng thu trước đây.

Lập luận của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, theo đó, vào năm 1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương, đại diện quản lý khu đất Tòa Khâm sứ, đã bàn giao cơ sở này cho Nhà nước và căn cứ theo nghị quyết do Quốc hội thông qua năm 2003, thì nay khu đất này thuộc sở hữu của Nhà nước, do Uỷ ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quản lý. Cũng theo tờ Hà Nội mới, Trung tâm Thể dục Thể thao và Nhà Văn hóa quận Hoàn Kiếm đã hoạt động liên tục trên 40 năm nay và khu vực phải tiếp tục được sử dụng vào mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Nhưng trong lá đơn khiếu nại đề ngày hôm qua, Tòa Tổng giám mục đã phản bác lập luận đó, cho rằng linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ là quản lý Tòa giám mục lúc đó, không phải là chủ sở hữu tài sản, không có thẩm quyền quyết định. Theo Tòa Tổng giám mục, nói rằng linh mục Nguyễn Tùng Cương bàn giao cơ sở nhà đất Tòa Khâm sứ cũ cho Nhà nước quản lý là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vì tài sản nói trên là của Giáo hội Công giáo Việt Nam, chứ không phải do Nhà nước cấp hay cho mượn. Và bởi vì khu đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của Tòa Tổng giám mục Hà Nội, cho nên không thể có chuyện giáo dân đã có hành động hủy hoại tài sản Nhà nước, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, theo như lời cáo buộc của báo chí Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã liên tục kiến nghị chính phủ giải quyết vấn đề đất đai của Giáo hội Công giáo bị Nhà nước trưng thu sau năm 54 và sau năm 75, nhưng chưa bao giờ được đáp ứng. Thành ra, Toà Tổng giám mục Hà Nội mới sử dụng đến hình thức tập hợp giáo dân cầu nguyện một cách hoà bình để buộc chính quyền phải lưu tâm đến vấn đề này. Vào cuối tháng 12, khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ đến thăm đức Tổng giám mục Hà NộI Ngô Quang Kiệt, các giáo dân trước Tòa Khâm sứ, mọi người đã hy vọng là tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết, nhưng cho tới nay chưa thấy có biện pháp gì cụ thể. Trước những linh mục và giáo dân vớI đức tin mạnh mẽ như vậy, nếu muốn tránh đàn áp thẳng tay gây đổ máu, chính quyền chắc là phải tìm cách giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp đất đai khu vực Tòa Khâm sứ, nhất là vì vụ này ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Thanh Phương
(Ảnh : vietcatholic.net)

Không có nhận xét nào: