Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

NGA - ANH : Quan hệ căng thẳng

15/01/2008_Matxcơva tạo căng thẳng với Luân Đôn trong chiến lược tháo gỡ vòng vây do Hoa Kỳ áp đặt quanh nước Nga từ thời Liên Xô bị phân rã.

Quả thực là Luân Đôn đang trở thành đối tượng bị Matxcơva tấn công. Sau quyết định không cấp thị thực nhập cảnh cho nhân viên Anh quốc làm việc tại viện Văn hoá Britsh Council ở St Petersbourg và Ekaterinabourg, vốn đã bị Nga yêu cầu đóng cửa, Matxcơva hôm nay chuyển mũi dùi qua một tổ chức phi chính phủ. Theo tiết lộ của báo chí Nga, viện công tố Cộng Hoà Tchesnya vừa yêu cầu đóng cửa Trung Tâm Hòa Bình và Phát triển Cộng Đồng, một tổ chức phi chính phủ của Anh, đặt tại Grosnyi. Cũng theo nguồn tin trên, một trụ sở khác của Trung Tâm này đặt tại Cộng Hoà Ingouchia lân cận cũng đã bị đóng cửa. Bàn tay của Matxcơva trong các vụ nói trên rất rõ ràng vì cả Tchesnya lẫn Ingouchia đều là các nước cộng hòa trực thuộc Liên bang Nga.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Matxcơva lại liên tiếp gây căng thằng với Luân Đôn như vậy.

Nguyên nhân có thể nói là trực tiếp của tình hình căng thẳng hiện nay thường được giới phân tích nêu lên là tranh chấp giữa Anh quốc và Nga từ ngày ông Alexander Litvinenko, một cựu gián điệp Nga, bị đầu độc chết tại Luân Đôn vào năm 2006.

Nghi can chính trong vụ này là một người Nga mà Luân Đôn đã yêu cầu Matxcơva cho dẫn độ người này qua Anh để điều tra nhưng đã bị từ chối. Căng thằng giữa hai bên nẩy sinh và càng lúc càng gia tăng từ khi ấy.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát khác, vụ Litvinenko chỉ là phần nổi của một chiến lược toàn diện hơn do chính quyền Putin tiến hành nhằm phá vỡ vòng vây mà Hoa Kỳ đã thiết lập quanh nước Nga từ thời Liên Xô bị phân rã. Sở dĩ Anh quốc trở thành đối tượng bị tấn công dữ dội nhất, đó là vì Luân Đôn, đặc biệt dưới thời cựu thủ tướng Tony Blair, bị xem là trợ thủ đắc lực nhất của Washington trong việc thực hiện chiến lược bao vây đó.

Trong hai bài đăng trên báo mạng Atimes.com vào tháng 10 năm 2006, một chuyên gia nổi tiếng về toàn cầu hóa, ông F. William Engdahl đã nêu bật chiến lược của Hoa Kỳ nhằm khuất phục nước Nga thời hậu Liên Xô, thể hiện cụ thể qua việc tranh thủ tình trạng yếu kém của chế độ Eltsine để xiết chặt gọng kềm quanh Liên bang Nga.

Chiến lược này, theo tác giả bài báo, có thể tóm tắt trong một số nét chủ yếu như sau : Trước hết là mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương về phiá đông, đặc biệt là kết nạp vào NATO các nước thuộc Liên Xô cũ. Kế hoạch này đã thành công. Vào năm 2004, Liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo đã bao gồm Litva, Latvia và Estonia, ba nước cộng hoà Baltic thuộc Liên Xô, cùng với một loạt nước cộng sản cũ như Ba Lan, Tchèque, Slovakia, Hungary, Bulgarie, Roumanie và Slovenia.

Không chỉ thế, Washington còn khuyến khích các cuộc cách mạng dân chủ tại một số nước khác vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Matxcơva, nhằm thay thế các chính quyền thân Nga bằng những người thân phương Tây. Các cuộc cách mạng Da cam ở Ukraina, Hoa hồng ở Gruzia, hay các phong trào dân chủ ở Belarus, Kirghistan, Uzbekistan đều được Washington tài trợ thông qua các tổ chức dân sự trong đó có Freedom House, National Endowment for Democracy, Foundation Soros cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác.

Theo Engdhal, mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ là làm sao cắt đứt đường trung chuyển của dầu khí Nga qua Tây Âu, hay qua các thị trường khác như Trung Quốc hay Đông Bắc Á.

Tại Châu Âu, Anh quốc bị đánh giá là đã tiếp tay đắc lực cho các ý đồ của Mỹ, nhất là khi tập đoàn BP của Anh, tập đoàn Anh Hà Lan Shell đều nằm trong Bộ Tứ các đại công ty dầu hỏa phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Các đại gia thời Eltsine như Berezovsky, Khodorskovsky, cùng với nhiều nhà tài phiệt Nga khác từng cư ngụ tại Anh quốc và được Luân Đôn bảo bọc.

Chính vì những lý do nêu trên mà khi ông Putin lên thay thế Eltsine lãnh đạo nước Nga, một trong những chiến lược chủ đạo của Matxcơva là khôi phục tư thế cường quốc để đủ sức đối phó với Hoa Kỳ về mặt quân sự, đồng thời giải tỏa gọng kềm của Hoa Kỳ đang xiết lại quanh mình. Quan hệ căng thẳng với Luân Đôn, đồng minh chí cốt của Mỹ tại châu Âu có thể được giải thích trong bối cảnh đó.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AP : Cựu điệp viên Nga Alexandre Litvinenko, người bị đầu độc chết năm 2006 tại Luân Đôn)

Không có nhận xét nào: