Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008

THÚC ĐẨY DÂN CHỦ TẠI MIẾN ĐIỆN: Tổng Thư ký LHQ cần đích thân tới Naypyidaw

31/01/2008_ Giới chuyên gia kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cần đích thân phối hợp các hoạt động ngoại giao thúc đẩy cải cách dân chủ tại Miến Điện.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nên đích thân tới thủ đô Miến Điện phối hợp các nỗ lực ngoại giao để buộc chính quyền quân sự tiến hành các cải cách chính trị. Trên đây là khuyến nghị của Nhóm Chuyên gia Quốc tế Nghiên cứu về Khủng hoảng, ICG. Đây là một tổ chức phi chính phủ độc lập có uy tín, với trụ sở chính tại Bruxelles và văn phòng đại diện ở nhiều nước trên thế giới.

Trong bản báo cáo công bố ngày hôm qua, ICG cho rằng các nỗ lực ngoại giao quốc tế có thể bao gồm cả việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện, đặc biệt là cấm vận quốc tế hoàn toàn đối với việc mua bán vũ khí, đi kèm với những khuyến khích về kinh tế.

Theo các chuyên gia, sau các vụ đàn áp những người biểu tình hồi cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã gây sức ép mạnh mẽ chưa từng thấy đối với chính quyền Miến Điện và điều này đã mang lại kết quả. Có những dấu hiệu chia rẽ, bất đồng bên trong giới tướng lãnh cầm quyền ở nước này. Xin nhắc lại là các vụ đàn áp nói trên đã làm ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 7 chục người mất tích, theo nhận định của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Gambari đã công du Miến Điện hai lần nhưng vẫn chưa thuyết phục được chính quyền nước này đưa ra những cam kết thực hiện dân chủ hoá. Chuyến công du thứ ba của ông, dự kiến vào cuối tháng 12 năm ngoái, đã bị giới tướng lãnh Miến Điện đẩy lùi đến tháng tư.

Nhóm Chuyên gia Quốc tế Nghiên cứu Khủng hoảng đưa ra lời khuyến nghị Tổng Thư ký Ban Ki-moon phải can dự trực tiếp vào hồ sơ Miến Điện trong bối cảnh lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi tỏ ra bi quan sau cuộc gặp ngày hôm qua với đại diện chính quyền. Bà cho biết là trong cuộc gặp này cũng như trong các lần trước đây, giới tướng lãnh vẫn từ chối đưa ra một lịch trình tiến hành các cuộc đàm phán về cải cách chính trị. Theo phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bà Aung San Suu Kyi đã tỏ ra có ít hy vọng về kết quả của sức ép của cộng đồng quốc tế. Bà lưu ý các thành viên trong Liên đoàn, xin trích, « Chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng chờ đón cái xấu nhất ». Hết lời dẫn. Lãnh đạo phe đối lập lo ngại là việc giới tướng lãnh cầm quyền tổ chức các cuộc gặp với bà chỉ là một thủ thuật đánh lừa công luận quốc tế.

Chính vì vậy, Nhóm Chuyên gia Quốc tế nhận định rằng đặc phái viên Gambari cần tiếp tục nhiệm vụ của mình và để hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao của ông thì Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nên đích thân tới thủ đô Naypyidaw để gặp gỡ giới tướng lãnh cầm quyền. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh là để tiếp sức cho Liên Hiệp Quốc, các nước láng giềng như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam cần đối thoại trực tiếp với Miến Điện về sự cần thiết phải duy trì ổn định và phát triển trong khu vực. Ngoài việc cấm vận buôn bán vũ khí, các nước phương Tây một mặt gia tăng viện trợ nhân đạo mặt khác tăng cường trừng phạt nhắm vào giới tướng lãnh, trong đó có việc cấm các thành viên của chính phủ và thân nhân của họ được đi chữa trị bệnh, con cái của họ không được tiếp nhận vào các cơ sở đào tạo ở các nước phương Tây, các nhân vật này không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng quốc tế v.v.

Hôm qua, Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Miến Điện phải bắt đầu ngay các cuộc thượng lượng chính trị với bà Aung San Suu Kyi và đại diện các cộng đồng sắc tộc về hồ sơ cải cách chính trị và dân chủ hoá đất nước.
Đức Tâm
(Ảnh : www.interet-general.info: Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon)

Không có nhận xét nào: