24/01/2008_ Nhà nước Hàn Quốc xin lỗi quốc dân về những vụ thảm sát tập thể thời chiến tranh Triều Tiên cách nay hơn nửa thế kỷ.
Tôi, với tư cách là Tổng thống và nhân danh ngưòi dân Hàn Quốc, thành thật xin lỗi về những hành vi phi pháp do nhà nước Hàn Quốc thời ấy tiến hành. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã tuyên bố như trên trong một thông điệp truyền hình gởi đến những người tham dự một buổi lễ tại Ulsan, một thành phố ở miền đông nam để tưởng niệm hàng trăm nạn nhân bị cảnh sát Nam Hàn tàn sát vào thời kỳ đấu cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953.
Theo Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc, định chế tổ chức lẽ tưởng niệm ngày 24/01/2008, riêng tại Ulsan, đã có đến 870 thường dân bị hành quyết mà không cần xét xử trong hai tháng 7 và 8 năm 1950, khi cuộc chiến tranh Nam Bắc bắt đấu. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số ít ra là 250 000 người Nam Hàn bị thảm sát chỉ vì bị tình nghi là thiên tả hay thân cộng vào thời điểm lực lượng Bắc Hàn tràn xuống miền Nam. Tác giả các vụ hành quyết là các sĩ quan quân đội hồi hưu, lực lượng công an, cảnh sát hay dân quân Nam Hàn. Cho đến nay, số lượng chính xác và chính thức về các nạn nhân chưa hề được xác định. Con số hơn 250 ngàn nói trên chỉ là ước tính nêu lên trong một công trình nghiên cứu vào năm 2005 của Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc.
Ủy ban Sự thật và Hoà giải Hàn Quốc là một định chế độc lập, được thành lập vào năm 2005 để điều tra vể những vụ hành quyết tập thể xẩy ra vào thời cuộc chiến tranh Triều Tiên. Cho đến nay, Uỷ ban này đã khai quật được hài cốt của khoảng 400 người tại 4 trên tổng số 160 mồ chôn tập thể trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc.
Gọi đấy là những vụ thảm sát hoàn toàn không phóng đại chút nào cả. Công cuộc khai quật cho thấy rõ những bộ xương người chồng chất lên nhau trong những cái hào đào trên sườn đồi hay trong những hầm mỏ lấy lội ẩm ướt. Người nào cũng bị một vết dạn bắn vào sau gáy. Một bác sĩ pháp y chịu trách nhiệm giảo nghiệm các hài cốt khai quật được đã mô tả một số cảnh hành hình như sau : Các nạn nhân tay trói quật sau lưng, bị buộc phải quỳ gối bên bờ hào trước khi bị bắn và xác bị xô xuống hố.
Khi cho thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải này, tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, nguyên là một luật sư đấu tranh bảo vệ nhân quyền, đã xác định mục tiêu của Ủy ban là hoàn tất một tiến trình hoà giải thực thụ trong dân tộc Triều Tiên bằng cách tìm ra sự thật, giảm nhẹ nỗi phẫn nộ của những người bị đối xử oan ức và khôi phục danh dự cho họ.
Vấn đề tại Hàn Quốc, cũng như ở nhiều nước khác từng bị lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn, là không phải ai cũng hài lòng với việc tìm ra sự thật. Ở Hàn Quốc, vấn dề các vụ thảm sát thành phần bị tình nghi thiên tả vào đầu thập niên 50 đặc biệt khó khăn do việc trong hàng chục năm trước đây, nước này do các chế độ cánh hữu hay quân sự điều hành, mà những chính quyền này không hề muốn làm sáng tỏ sự thật về những vụ việc dính líu đến họ. Ngay cả hiện nay, một số báo chí bảo thủ thân hữu tại Hàn Quốc cũng tỏ ý hoài nghi về công việc của Ủy ban Sự thực và Hoà giải.
Tuy nhiên, theo một thành viên Ủy ban, phụ trách việc khai quật, thì ý nghĩa việc làm của họ rất lớn. Trong một xã hội Khổng giáo, vấn đế chăm sóc mồ mả người quá cố là một việc phải làm. Mặt khác, Hàn Quốc phải xứng đáng với giá trị nhân quyền mà nước này xem trọng.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : www.korea-is-one.org: Tàn sát tại Triều Tiên – tranh Picasso)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét