Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2008

VIỆT NAM: Đình công gia tăng do vật giá leo thang

04/04/2008_ Trong hai ngày đầu tuần này, khoảng 20 ngàn chục công nhân ở công ty Đài Loan Ching Luh sản xuất giày cho hãng Nike tại Long An đã đình công. Thông tin đã được báo chí quốc tế loan tải rộng rãi có lẽ là vì nó liên quan đến một trong những công ty lớn của Mỹ, nhưng thật ra vụ đình công này chẳng có gì là mới lạ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công ở công ty Ching Luh, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do vật giá leo thang, khiến công nhân lại càng sống chật vật với đồng lương hiện nay. Họ đòi tăng thêm 200 ngàn đồng mỗi tháng, nhưng ban giám đốc chỉ mới đồng ý tăng 100 ngàn đồng. Cũng như trong những cuộc đình công khác ở Việt Nam, cho tới nay, các công đoàn do Nhà nước kiểm soát, thay vì đứng ra bảo vệ quyền lợi của người công nhân, thì họ lại đứng về phía chủ để thuyết phục công nhân trở lại làm việc, cho dù yêu sách chưa được đáp ứng đầy đủ. Trên nguyên tắc, công nhân đã làm việc trở lại kể từ thứ tư, nhưng cho đến nay công ty Ching Luh vẫn đóng cửa vì một số công nhân vẫn từ chối chấm dứt đình công, xung đột với bảo vệ nhà máy. Chính quyền đã phải điều động công an đến để can thiệp. Công nhân được lệnh nghỉ trong ba ngày.

Trong một thông cáo công bố ngày hôm qua, hãng Nike đã viết rằng: « Chúng tôi nhìn nhận là lạm phát tăng cao đang ảnh hưởng đến đời sống người dân Việt Nam và ủng hộ biện pháp tăng lương tối thiểu do chính phủ thi hành từ đầu năm nay. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền của công nhân được tự do tập hợp và hy vọng là tình hình sẽ được giải quyết nhanh chóng ». Nhưng đại diện hãng Nike nhắc lại rằng vụ đình công ở công ty Ching Luh không phải là trường hợp riêng lẻ vì từ đầu năm đến nay ở Việt Nam đã xảy ra khoảng 150 cuộc đình công, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại diện này cũng nhấn mạnh là ở công ty giày Ching Luh, công nhân đã được hưởng mức lương cao hơn lương tối thiểu theo luật định.

Theo quy định mới của chính phủ Việt Nam, mức lương tối thiểu trong các công ty ngoại quốc ở Việt Nam là từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Mức lương trung bình của công nhân ở Ching Luh là 930 ngàn đồng. Mặc dù được trả cao hơn mức lương tối thiểu, công nhân hãng này vẫn không đủ sống trong bối cảnh mà vật giá tăng vọt đến chóng mặt. Trong ba tháng đầu năm nay, mức lạm phát ở Việt Nam đã vượt hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây vài ngày đã kêu gọi người dân Việt Nam tiết kiệm chi tiêu. Mặt trận Tổ quốc hôm qua cũng đã ra lời kêu gọi tương tự. Nhưng nói tiết kiệm là đối với những người có tiền, còn đối với những người có thu nhập thấp, một tháng lãnh chưa tới một triệu đồng, thậm chí chỉ vài ba trăm ngàn, thì họ không thể thắt lưng buộc bụng hơn nữa. Kềm chế lạm phát là trách nhiệm của chính phủ, chứ không thể kêu gọi toàn dân chống lạm phát theo kiểu phong trào. Nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao như vậy, chắc chắn là nhiều cuộc đình công khác sẽ xảy ra. Tình trạng này càng cho thấy sự cấp thiết phải bảo đảm công bằng xã hội trong phát triển kinh tế. Trong nhiều năm qua, Việt Nam chỉ theo đuổi mục tiêu đạt mức tăng trưởng thật cao, nhưng đó là mức tăng trưởng không bền vững và một bộ phận lớn người dân Việt Nam không được hưởng lợi từ những thành quả kinh tế và tình trạng vật giá leo thang chỉ làm nổi rõ thêm điều đó.
Thanh Phương
(Ảnh : www.portfolio.com: Công ty gia công giầy Ching Luh, ngày 03/04/2008)

Không có nhận xét nào: