21/04/2008_ Quyền lao động của nhân công Trung Quốc làm việc cho các xưởng may gia công quần áo, giầy, vớ thể thao hoàn toàn không được tôn trọng. Trong bối cảnh Thế Vận hội 2008 gần kề, điều kiện lao động càng khắc nghiệt, công nhân bị bắt buộc làm thêm giờ phụ trội mà không được trả lương. Trên đây là nhận định của bản báo cáo do tổ chức phi chính phủ mang tên Chiến dịch Fair Play 2008 vừa công bố sáng nay từ Bruxelles. Các nhà nghiên cứu của hiệp hội này phát hiện ra điều kiện làm việc trong các xưởng may gia công hàng thể thao của các nhãn hiệu lớn không được cải thiện gì nhiều so với tình trạng được ghi nhận từ Thế Vận hội Athènes 2004. Chuẩn mực vẫn là bốc lột công nhân.
Bản nghiên cứu được thực hiện tại 4 nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia, đặc biệt là các cơ sở của Adidas, nhãn hiệu chính cung cấp vật dụng cho Thế Vận hội và hai công ty cạnh tranh khác là Nike và New Balance. Kết quả cho thấy, công nhân ở Trung Quốc bất hạnh hơn cả so với đồng nghiệp các nước láng giềng. Tại các xưởng gia công này, công nhân Trung Quốc làm việc như thế nào ? Ngoài áp lực thường trực phải sản xuất cho kịp định mức (quota), nhân công còn phải làm thêm giờ phụ trội nhưng không được trả thêm lương ; họ phải tiếp cận thường xuyên với hóa chất độc hại cho sức khỏe và bị quản đốc mắng chửi xách nhiễu liên miên. Lương công nhân quá thấp nên không đủ sống và nhiều chủ nhân không áp dụng luật lao động. Một công nhân thuộc xưởng gia công giày Nguyệt viên cho New Balance, ở Đông Quan than thở : « Tôi gần như kiệt lực. Trung bình mỗi giờ phải dán 120 đôi giày, làm việc không hở tay, với sự sợ hãi là không cung cấp kịp lúc số đế giày cho khâu kế tiếp ». Một số công nhân khác làm gia công cho Adidas vì từ chối làm thêm giờ nên bị chủ hãng gia công chuyển qua làm công việc phải tiếp xúc với hóa chất hoặc phải đứng suốt buổi.
Tại khu công nghiệp Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, đa số thợ may bóng đá và quần áo thể thao gia công cho Adidas, Nike, Umbro và Fila phải làm việc 7 ngày trên 7. Giữa thất nghiệp và kiệt lực trong xưởng may, họ không có sự lựa chọn nào khác. Điều khốc liệt hơn nữa là công nhân đã không có ngày nghỉ cuối tuần, mà có khi phải làm thêm 232 giờ phụ trội mỗi tháng. Còn đồng lương thì không bằng phân nửa mức lương thấp nhất theo quy định của luật lao động Trung Quốc tức là không tới 80 đôla mỗi tháng.
Công trình nghiên cứu này được Fair Play thực hiện cho Tổng Công đoàn Quốc tế CIS và Liên đoàn Công nhân hàng May mặc Thế giới. Bình luận về tình trạng này, Tổng Thư ký của Tổng Công đoàn Quốc tế Guy Rider chỉ trích Ủy hội Thế Vận hội quốc tế CIO đã không quan tâm đến quyền lợi người lao động cung cấp quần áo và dụng cụ thể thao cho các cuộc thi tài Thế Vận hội, mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần. Ủy hội Thế Vận cho đến nay vẫn không có một cam kết cụ thể nào bài trừ tệ nạn vi phạm quyền lao động này đặc biệt là nó đang xảy ra ngay tại Trung Quốc, nước chủ nhà đón tiếp Thế Vận hội vào tháng 8 này.
Tú Anh
(Ảnh : www.lejdd.fr: Liên hội « De l'éthique sur l'étiquette » tố cáo điều kiện làm việc tại Trung Quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét