Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2008

AN NINH ĐÔNG BẮC Á : ASEAN lo ngại mất vai trò

13/04/2008_ Trong quá trình giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều tiên, Hoa Kỳ đã đưa ra dự án thành lập một một cơ chế thường trực về an ninh khu vực. Theo nhận định của giới chuyên gia, sáng kiến của Washington làm cho Hiệp hội Đông Nam Á khó chịu bởi vì ASEAN lo ngại bị mất đi vai trò của chủ yếu của mình trong lĩnh vực này.

Theo thỏa thuận giữa trong vòng đàm phán sáu bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều tiên, ký kết hồi tháng 2 năm ngoái, một nhóm chuyên gia, do Nga lãnh đạo, đang chuẩn bị dự án mang tên « Cơ chế an ninh và hoà bình tại Đông Bắc Á ». Chính Hoa Kỳ đã đưa ra ý định biến vòng đàm phán 6 bên, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ và hai nước Triều tiên, thành một diễn đàn thường trực nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh trong khu vực. Thế nhưng, các nước Đông Nam Á cho rằng dự án nói trên có nguy cơ làm lu mờ đi các cơ chế hiện có của ASEAN.

Từ 14 năm qua, ASEAN vẫn có Diễn đàn an ninh khu vực, ARF, được coi như cơ chế thảo luận về an ninh trong vùng châu Á- Thái Bình Dương. Tham gia diễn đàn này bao gồm 10 thành viên ASEAN và 17 quốc gia khác trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu, Bắc Triều tiên, Úc, Ấn Độ và Pakistan. Theo AFP, trong cuộc họp báo hôm thứ sáu vừa qua ở Washington, ông Muthiah Alaggapa, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu Đông Tây, có trụ sở tại Hawai, cho rằng mối lo ngại tại Đông Nam Á là các nước lớn sẽ tham dự một diễn đàn khác và do vậy ARF sẽ bị mờ nhạt đi. Nhưng, các nước ASEAN cũng không thể phủ nhận được rằng ARF không phải là cái ô an ninh bao trùm toàn khu vực. Hoa Kỳ là một siêu cường trên thế giới. Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy. Nhật Bản có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Do vậy, các nước này có vai trò của họ trong hồ sơ an ninh khu vực.

Ngoài ARF, các nước Đông Nam Á còn có thêm hai cơ chế quan trọng khác cũng thảo luận về an ninh, đó là hội nghị hàng năm ASEAN cộng ba, tức là với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bao gồm 13 nước trong đó có Ấn Độ, Úc và New Zeland.

Theo một nhà ngoại giao ASEAN tại Washington, thì diễn đàn ARF chỉ là một phần trong tổng thể kiến trúc về an ninh khu vực. Một số chuyên gia châu Á cho rằng việc chính quyền Washington muốn lập cơ chế thường trực về an ninh Đông Bắc Á vì Hoa Kỳ không đựơc mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Hội nghị này bao gồm 16 quốc gia, là những nước đã tham gia hiệp định bất tương xâm của ASEAN.

Truớc sự khó chịu của các nước Đông Nam Á, Hoa Kỳ nêu ra khả năng mở rộng cơ chế thường trực về an ninh Đông Bắc Á, cụ thể là ngoài các nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều tiên, còn có tất cả các quốc gia trong diễn đàn an ninh khu vực ARF và cả Úc. Gợi ý này lại càng làm cho một số nước Đông Nam Á nghi ngờ là Mỹ muốn phá hoại ASEAN. Thế nhưng, Hoa kỳ vẫn tỏ ý tiếp tục thúc đẩy dự án này. Ông Michael Green, chuyên gia cao cấp về châu Á của Nhà trắng đưa ra ba lý do : thứ nhất là tại châu Á hiện nay, có nhiều cấp độ quan hệ đa phương và nếu có cạnh tranh giữa các cơ chế này thì cũng không có gì là tổn hại cả. Thứ hai là tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ như Barack Obama, Hillary Clinton và John McCain đều ủng hộ sáng kiến này và cuối cùng là diễn đàn ARF có một số vai trò quan trọng nhưng không thể giải quyết xung đột hoặc xây dựng lòng tin cho phép đưa ra các biện pháp hữu hiệu trong lĩnh vực an ninh khu vực.
Đức Tâm
(Ảnh : www.pacto-convex.com)

Không có nhận xét nào: