09/04/2008_ Trong hồ sơ Tây Tạng, sức ép của công luận đang làm lay chuyển đường lối ngoại giao của Tây phương đối với Bắc Kinh.
« Bạo động tại Tây Tạng hồi giữa tháng 3 có thể xem là một biến cố cực kỳ xấu xảy ra cho Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người rất được cảm tình và kính trọng tại các nước dân chủ Tây phương ». Lời nhận định trên đây của chuyên gia Jean Philippe Béja, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Pháp đã được minh chứng qua các cuộc biểu tình quyết liệt tại Luân đôn và Paris vừa qua. Và tại San Francisco, những người chống chế độ Bắc Kinh hứa hẹn sẽ tiếp tục gây xáo trộn lễ rước đuốc Thế Vận như ở Pháp và Anh.
Thành phố Bắc Mỹ có một cộng đồng Á châu đông đảo đang ở trong tình trạng sôi sục như sắp chiến tranh. Nếu giới lãnh đạo chính trị Tây phương ngay lúc đầu đã tỏ thái độ đắn đo thì công luận ở các nước này không một chút do dự, đã nhập trận ủng hộ Tây Tạng. Sức ép này đang làm lay động một số lập trường ngoại giao cho đến nay vẫn tránh làm phật lòng chính quyền Trung Quốc. Tại California, thống đốc Arnold Schwarzenegger tuyên bố rằng « người biểu tình có quyền biểu lộ thái độ bất đồng với chính sách của Trung Quốc ».
Nhưng nổi bật hơn hết là thái độ của hai nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ. Hôm qua, tức một ngày sau khi lễ hội rước đuốc tại Paris kết thúc trong gián đoạn, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố chỉ tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh với điều kiện Trung Quốc phải đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tổng thống Pháp xác định lập trường đưa ra cách nay hai tuần lễ trong bối cảnh đa số người Pháp, 53%, hậu thuẫn hình thức tẩy chay Thế Vận Hội như là biện pháp gây áp lực với Bắc Kinh.
Về phía Hoa Kỳ, hôm qua, đến lượt Nhà Trắng không loại trừ khả năng Tổng thống George Bush vắng mặt trong lễ khai mạc Thế Vận Hội ngày 8 tháng 8 tới đây. Phát ngôn viên Dana Perino còn nói là từ trước đến nay, chưa bao giờ Tổng thống Bush tuyên bố ý định tham dự. Trước đó, tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Reporters Sans Frontières, trong một bức thư ngỏ, kêu gọi Tổng thống Mỹ không nên đi Bắc Kinh hoặc ít ra, đặt một số điều kiện với Trung Quốc. Ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng kêu gọi ông Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận. Cũng phải nói thêm, theo một kết quả thăm dò ý kiến công bố hôm qua, cho thấy là có đến 48% người Mỹ hậu thuẫn biện pháp này so với thiểu số 33% có ý kiến ngược lại.
Nói chung, chính quyền Trung Quốc đang trả giá cho chính sách Hán hóa tại Tây Tạng. Và cái giá này, theo giới phân tích, cũng như của chính đảng Cộng sản Trung Quốc, không dừng ở con đường rước đuốc đầy ác mộng mà nó còn tác động đến nội tình Trung Quốc. Đây mới là ưu tư hàng đầu của giới lãnh đạo Bắc Kinh ngoài chuyện bị tổn thương thể diện. Đối với Bắc Kinh, những người biểu tình phản kháng là hiện thân của các « thế lực thù địch » phá hoại Thế Vận Hội và qua đó kích động phong trào tranh đấu trong nước từ cộng đồng Tây Tạng đông đảo ở Cam Túc, Tứ Xuyên đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, từ thành phần dân chủ ly khai đến nông dân không ruộng cày và công nhân thất nghiệp đang sống trôi nổi ở các thành phố lớn. Tóm lại, sức ép của quốc tế hiện nay có thể sẽ làm cho chính quyền Trung Quốc siết gọng kềm trong nước. Nhưng biết đâu, tác động của sức ép này lại tạo cơ hội cho phe cải cách có tiếng nói mạnh hơn.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ngày 8/04/2008, tại Cahors)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét