Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008

TÂY TẠNG : Trung Quốc chấp nhận đối thoại với đại diện của Đạt Lai Lạt Ma

26/04/2008_ Giới phân tích đón nhận một cách thận trọng đề nghị của Bắc Kinh nối lại đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma

Các nước phương Tây hôm qua đã hoan nghênh quyết định của Trung Quốc mở cuộc đối thoại với đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, cuộc đối thoại này khó mà đạt kết quả như mong muốn, bởi lẽ quyết định nói trên có thể chỉ là nhằm hóa giải áp lực ngày càng tăng của quốc tế.

Từ năm 2002, đại diện của với đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ đã thương lượng với các đặc sứ của Trung Quốc. Lần cuối cùng hai bên hội đàm trực tiếp là vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm ngoái. Nhưng thật ra ngay cả trong thời gian cao điểm của cuộc khủng hoảng tại Tây Tạng, liên lạc giữa đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma với Bắc Kinh chưa bao giờ bị cắt đứt hoàn toàn. Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng vẫn muốn giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách đối thoại trực tiếp với chính phủ Trung Quốc. Tuy lên án Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc « diệt chủng văn hóa » ở Tây Tạng, nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói rõ là Ngài không đòi độc lập, mà chỉ muốn quê hương của mình được hưởng một nền tự trị. Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng cũng không bao giờ kêu gọi tẩy chay Thế Vận hội Bắc Kinh, mà trái lại Ngài cho rằng Trung Quốc rất xứng đáng là quốc gia đón tiếp sự kiện thể thao này. Nhưng phía Bắc Kinh lại vẫn tố cáo những người mà họ gọi là « tập đoàn Đạt Lai Lạt Ma kích động bạo loạn ở Tây Tạng để phá hoại Thế Vận hội ». Mặc dù hôm qua vừa mới đề nghị nối lại đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma, hôm nay, Trung Quốc một lần nữa lên tiếng đả kích Ngài là đã dùng đủ mọi cách để phá hoại ổn định và phát triển của Tây Tạng. Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, còn kết tội đức Đạt Lai Lạt Ma và giới thân cận đã phao tin đồn là Trung Quốc áp bức Phật giáo Tây Tạng và đã kích động dư luận quốc tế chống Trung Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, giới phân tích đón nhận đề nghị đối thoại của Trung Quốc một cách thận trọng. Hôm qua, Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ là cuộc đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ diễn ra như thế nào. Theo các chuyên gia về Tây Tạng, chính những chi tiết này sẽ cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc thực tâm đến đâu. Chi tiết quan trọng nhất đó là thực quyền của nhân vật sẽ đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhân vật này liệu có đủ quyền hành để thương lượng một cách có thực chất với phía Tây Tạng hay không ? Một số chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh thông báo nối lại đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một hành động mang tính chất giao tế, nhằm hóa giải áp lực quốc tế. Nhưng những nhà phân tích khác thì nghĩ rằng có thể là một số nhân vật trong chính quyền Trung Quốc nay nhận thấy chính sách phát triển kinh tế ở Tây Tạng đã không chinh phục được lòng dân tại đây. Không chỉ là do áp lực của quốc tế, quyết định nói trên còn cho thấy chính quyền Bắc Kinh nay công nhận là đàn áp không thể giải quyết được tình hình rối loạn ở Tây Tạng. Tuy vậy, không ai nghĩ rằng lập trường của Bắc Kinh trên vấn đề Tây Tạng sẽ thay đổi căn bản, khi nào lãnh đạo vùng Tây Tạng, Trương Khánh Lê vẫn còn tại chức. Kể từ khi lên nắm chức bí thư đảng của khu tự trị Tây Tạng năm 2005, ông Trương Khánh Lê vẫn nổi tiếng rất cứng rắn đối với những người đối lập tại đây, cũng như ông đã từng trấn áp thẳng tay người Hồi giáo sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, khi nắm quyền lãnh đạo vùng Tân Cương trước đây. Cho nên, một sử gia chuyên về Tây Tạng thuộc trường đại học British Columbia ở Vancouver, Canada nhận định, nếu đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự muốn thương lượng với đức Đạt Lai Lạt Ma thì bước đầu tiên là phải cách chức ông Trương Khánh Lê.
Thanh Phương
(Ảnh :
www.abcnews.go.com : Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo)

Không có nhận xét nào: