Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2008

NGA-NATO : Nhịp cầu hợp tác mới bắt đầu định hình

02/04/2008_ Một trong những dấu ấn của Hội nghị Bucarest là quan hệ Nga và ATO được sưởi ấm, mà chi tiết liên quan sẽ được thông báo rõ hơn vào thứ sáu sắp tới. Tuy nhiên, ngay hôm nay, Tổng thống Mỹ Georges Bush đã đánh giá quan hệ đối tác sẽ đạt tầm mức chưa từng thấy. Mấy ngày qua, điện Kremly cũng đã liên tiếp bắn tín hiệu, nhấn mạnh đến vai trò xây dựng của Tổng thống mãn nhiệm Nga, Vladimir Poutine, khi ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này tại Bucarest. Theo các tin tức mới nhất, dường như Nga và Mỹ có khả năng đạt thỏa thuận trên 2 hồ sơ nóng bỏng là Afghanistan và lá chắn chống tên lửa. Rất có thể đôi bên cũng sẽ giải tỏa được một phần bế tắc chung quanh Hiệp định giải giới các lực lượng qui ước tại châu Âu.

Bầu trời quang đãng hẳn lên, sau khi ông Bush, sáng nay đã gửi một thông điệp đến người đồng nhiệm Vladimir Poutine. Tổng thống Mỹ đã nhắc đến khả năng hội nhập các cơ sở của Liên Xô cũ vào kế hoạch lá chắn chống tên lửa. Ông Bush đã đề cập đến đề nghị của Nga liên kết dàn radar đặt tại Azerbaijan vào hệ thống chống tên lửa. Tổng Thống Mỹ còn sử dụng ngôn từ là « mời » Nga tham gia nỗ lực tập thể chống các hỏa tiễn của một số quốc gia thù nghịch, mà ai cũng có thể nhận diện là xuất phát từ Iran, chẳng hạn.

Nếu quả như vậy, thì từ thái độ đối đầu trên dự án lá chắn chống tên lửa của Mỹ, Tổng thống Nga có thể chuyển sang lập trường hợp tác, mà không mất thể diện. Nhưng để đạt được bấy nhiêu đồng thuận, chắc hẳn là phía Nga đã trương ra lá bài tủ là một đề nghị hấp dẫn trên hồ sơ Afghanistan. Kể từ giữa tháng 3 vừa qua, cục diện quan hệ Mỹ-Nga đã thay đổi với nguồn tin được cả đôi bên xác nhận : đó là Matxcơva có thể sẽ cho phép NATO trung chuyển hậu cần qua không phận và đường bộ của mình sang đến tận Afghanistan. Tất nhiên, về mặt hình thức, Nga sẽ chỉ bật đèn xanh cho đối tượng là lực lượng quốc tế hỗ trợ an ninh ISAF. Nhưng việc cho phép các lực lượng này mà đa số thuộc hàng ngũ các quốc gia thành viên NATO sử dụng căn cứ trên bộ và hành lang hàng không của Nga sẽ là sự kiện hy hữu, một bước ngoặt chiến lược mang ý nghĩa trọng đại. Nga đang tháo gỡ rất nhiều gánh nặng cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương hiện nay phải trung chuyển 2 phần 3 trang bị của mình theo đường biên giới với Pakistan, một quốc gia ngày càng bị khủng hoảng.

Cuối cùng, hồ sơ giải giới lực lượng qui ước tại châu Âu, cũng có thể đưọc giải quyết từng chặng trong tương lai không xa. Xin nhắc lại Liên bang Nga đã tuyên bố đình chỉ việc thực thi Hiệp định này vào cuối năm ngoái. Văn bản này được xem là then chốt trong việc bảo đảm an ninh tại « lục địa già » cho phép kiểm soát số lượng quân lính cũng như số lượng vũ khí qui ước tại châu Âu .

Bấy nhiêu vẫn chưa đủ, theo nhiều tờ báo, Tổng thống Vladimir Poutine dường như còn muốn quyền rũ công luận quốc tế với một dự án ngoạn mục khác là xây dựng một con đường hầm nối liền nước Nga với lục địa Mỹ châu, dưới eo biển Bering. Công trình này dự trù sẽ chi phí 66 tỷ đôla. Nếu được thực hiện, thì đây sẽ là tuyến thông thương mang biểu tượng Mỹ-Nga thân thiện trở lại. Có lẽ đó là cái giá phải trả cho việc Gruzia và Ukraina buộc phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa trước khi được khối NATO kết nạp.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP)

Không có nhận xét nào: