Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2008

CHÂU Á : Giá lương thực lên cao đe dọa ổn định xã hội

08/04/2008_ Theo một nhà kinh tế thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, những vụ lụt lội ở Bangladesh, dịch bệnh sâu rầy ở Việt Nam và thiên tai ở Trung Quốc đã khiến cho mức cung giảm rất nhiều, vào lúc mà kho dự trữ gạo của nhiều quốc gia châu Á đã xuống đến mức thấp nhất. Cho nên, một chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore dự báo là sẽ có nhiều vụ rối loạn ở châu Á.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở hai nước nhập khẩu gạo quan trọng là Bangladesh và Philippines, nơi mà dân chúng dành đến 70% thu nhập để mua lương thực. Một nhà nghiên cứu chính trị ở Bangladesh nhận định rằng vật giá leo thang đang là mối đe doạ thật sự đối với sự tồn vong của chính phủ lâm thời tại nước này, vì nó có thể làm bùng nổ bạo loạn do dân chúng quá bất bình. Lãnh đạo quân đội Bangladesh gần đây đã kêu gọi dân nghèo nên chuyển sang ăn khoai để làm giảm bớt áp lực lên thị trường gạo, nơi mà giá đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua. Tại Philippines, căng thẳng lên đến mức mà quân đội phải huy động binh lính tham gia phân phát gạo ở các khu phố nghèo. Vào tuần trước, Tổng thống Gloria Arroyo đã phải triệu tập một phiên họp với các bộ trưởng để bàn về những biện pháp nhằm tránh khủng hoảng lương thực ở Philippines. Để kềm chế giá gạo trong nước trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Ấn Độ đã quyết định ngưng xuất khẩu gạo. Đây cũng là vấn đề sinh tử đối với chính phủ liên minh trung tả đứng đầu là Đảng Quốc Đại. Hàng trăm triệu người nghèo chính là những cử tri đã bầu cho chính phủ này vào tháng 5 năm 2004. Tình trạng vật giá leo thang khiến họ bất bình với chính phủ đương nhiệm, trong khi đến tháng 5 năm tới Ấn Độ sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội mới.

Ngay cả tại Malaisia, giá cả tăng vọt cũng đã làm mất uy tín chính phủ liên minh, vừa mới lên cầm quyền sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tháng 3/2008. Tại Indonesia, nơi mà cử tri sẽ bầu tổng thống mới vào năm tới, chính phủ đã quyết định trợ giá dầu ăn và hứa sẽ phân phát gạo cho dân nghèo. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng những biện pháp nói trên vẫn chưa đủ để ngăn ngừa rối loạn xã hội. Tại Trung Quốc, nơi mà giá thịt đã tăng 60 % trong vòng một năm qua, chính phủ đã phải quyết định vào tháng giêng không cho tăng giá thực phẩm và nhiên liệu cũng như một số nhu yếu phẩm khác. Còn tại Việt Nam, lạm phát trong quý một vừa qua đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Để kềm chế giá gạo tăng cao trong nước, chính phủ Hà Nội đã quyết định giảm bớt lượng gạo xuất khẩu. Nhưng vật giá leo thang khiến đình công xảy ra ngày càng nhiều, vì công nhân không thể sống nói với mức lương hiện tại. Sau cuộc đình công của khoảng 20 ngàn công nhân hãng gia công giày hiệu Nike ở Long An, đến lượt công nhân thuộc Công ty giày Khải Hoàn ở Sài Gòn đình công cũng với yêu sách đòi tăng lương. Ngay cả tại Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, hạt gạo cũng có thể là mầm móng gây căng thẳng. Hiện giờ, chính phủ Bangkok vẫn không hạn chế xuất khẩu và khẳng định vẫn có đủ gạo cho nhu cầu tiêu thụ nội điạ, nhưng do giá gạo trong nước cũng tăng vọt 50% trong tháng vừa qua, gạo nay bỗng trở nên quý như vàng, thành ra nạn trộm cắp gạo xảy ra ngày càng nhiều.

Để kềm chế mức tăng giá lương thực đang đe doạ ổn định của nhiều quốc gia nghèo, vào đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới đã đề nghị là quốc tế nên thi hành một chính sách kiểu New Deal, tức là chính sách mà Tổng thống Mỹ Roosevelt đưa ra để phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng năm 1929.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP: Bán gạo tại chợ Klong Toey-Bangkok-Thái lan)

Không có nhận xét nào: