15/04/2008_ Trong bản báo cáo công bố hôm nay, tổ chức Ân xá Quốc tế thẩm định trong năm qua, Trung Quốc hành quyết 470 tù nhân, đứng đầu và bỏ xa các nước còn thi hành án tử hình là Iran, Ả rập Xê út, Pakistan và Hoa Kỳ. Mặc dù chính quyền Trung Quốc khẳng định đã giảm 10% các vụ xử bắn, nhưng Ân xá Quốc tế thu thập được 470 vụ thi hành án trong năm qua mà một phần không nhỏ, 68 người, chỉ vi phạm những tội như trốn thuế TVA, buôn lậu thuốc, ăn cắp dây điện hoặc mãi dâm. Nói chung, là những thành phần nghèo vì đói phải làm liều.
Những con số trên đây chỉ là ước lượng dự theo thông tin rời rạc mà toà án ở Trung Quốc thỉnh thoảng tiết lộ. Vì cũng theo Amnesty International, một hiệp hội phi chính phủ Hoa Kỳ, Viện Đối Hoa nắm được danh sách 6000 vụ, dựa theo thông tin thu thập từ các viên chức chính quyền địa phương.
Những con số trên đây chỉ là ước lượng dự theo thông tin rời rạc mà toà án ở Trung Quốc thỉnh thoảng tiết lộ. Vì cũng theo Amnesty International, một hiệp hội phi chính phủ Hoa Kỳ, Viện Đối Hoa nắm được danh sách 6000 vụ, dựa theo thông tin thu thập từ các viên chức chính quyền địa phương.
Trong bối cảnh, chính quyền Trung Quốc tập trung nỗ lực tô điểm cho Thế Vận hội Bắc Kinh vào tháng 8, tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu giới lãnh đạo Trung Quốc hãy nhân cơ hội này lấy một quyết định nhân đạo, xin trích, « Vào lúc Bắc Kinh chuẩn bị đón tiếp Thế Vận hội, Ân xá Quốc tế thách thức chính phủ Trung Quốc chấm dứt sử dụng án tử hình và phải công khai hóa thông tin liên quan đến loại hình phạt này. Trong một nước rộng lớn như Trung Quốc, quyền tự do thông tin bị nhà nước kiểm soát gắt gao, thì chỉ có một mình chính quyền biết rõ thực trạng đằng sau các bản án tử hình ». Hết lời dẫn.
Hồi đầu tháng, trong một bản báo cáo khác, Ân xá Quốc tế cho biết tình hình nhân quyền tại Trung Quốc tồi tệ hơn vì Thế Vận hội. Trái với những lời cam kết của Bắc Kinh khi nộp đơn xin tổ chức Thế Vận và cũng trái với hy vọng và suy đoán của Ủy hội Thế Vận Quốc tế khi bầu chọn Bắc Kinh, các biện pháp trấn áp nhân quyền kiểm soát thông tin và bỏ tù các nhà ly khai chỉ có tăng chứ không giảm. 742 người bị quy tội « chống chế độ » và bị bắt trong năm 2006, gấp đôi con số năm 2005. Những nhân vật tranh đấu quyết liệt cho nạn dân bị đuổi nhà lấy đất xây cơ sở Thế Vận như nhà báo Hồ Giai, luật sư Cao Trí Thịnh, công nhân Dương xuân Lâm, người thì bị tù, người thì bị đánh trọng thương. Hàng ngàn người khác bị đưa đi cải tạo lao động chỉ vì họ bảo vệ căn nhà thửa ruộng của họ, hoặc giúp đỡ đồng bào làm đơn phản đối những bất công. Ông Hồ Giai có câu nói bất hủ là « Chúng tôi muốn nhân quyền chứ không muốn Thế Vận hội ».
Các biện pháp đàn áp ở Tây Tạng, Tứ Xuyên, Cam Túc trong những tuần lễ qua càng cho thấy những lời cam kết của giới lãnh đạo Trung Quốc như đô trưởng Bắc Kinh Lưu Kỳ khi xin tổ chức Thế Vận chỉ là những lời hứa hão. Cho nên, theo giới phân tích, khó mà Trung Quốc lắng nghe tiếng nói thúc giục của công luận thế giới muốn cải thiện nhân quyền. Nhật báo cánh tả Pháp Libération, trong bài phân tích dưới tự đề « Thế Vận hội đến gần, tự do không đến », đã viết như sau : « Đau đớn vì thấy giấc mơ Thế Vận bị đánh chìm, giới lãnh đạo Bắc Kinh không chịu đựng nổi những phê phán về nhân quyền ». Phong trào phản kháng hiện rõ qua các cuộc biểu tình gọi ngọn lửa Thế Vận trong tay chính quyền Trung Quốc là « ngọn lửa ô nhục » càng làm cho đảng cộng sản Trung Quốc « cố thủ trong bức tường đỏ » như nhận định của báo điện tử tiếng Anh ở Kuala Lumpur, Á châu Thời báo, Asia Times online hôm nay.
Tú Anh
(Ảnh : AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét