27/04/2008_ Với khẩu hiệu « một thế giới, một giấc mơ », Bắc Kinh đã hy vọng chọn cơ hội Thế Vận để chinh phục công luận các nước ngoài, tạo nên mối đồng giao, đồng cảm, gắn kết mọi người trên hành tinh với quốc gia khổng lồ châu Á, đang vươn dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngày hôm nay, ở thời điểm chỉ còn 100 ngày nữa Thế Vận hội sẽ khai mạc tại Bắc Kinh, hoài bão đó mỗi ngày thêm xa xôi, huyễn hoặc, khi các vụ đàn áp ở Tây Tạng biến cơ hội Thế Vận thành phong trào phản đối Trung Quốc. Trong cuộc rước đuốc vòng quanh thế giới, tham vọng của Bắc Kinh đã biến thành thảm kịch phản tuyên truyền cho chế độ.
Từ Luân Đôn đến Paris, San Francisco đến Canberra, rồi Nagano hôm qua và Séoul ngày hôm nay, ngọn đuốc Thế Vận chẳng những không hội tụ được mọi người hướng về Bắc Kinh chung vui mà còn gây nên những vụ ẩu đả, khơi dậy nhiều hiềm khích, khoét sâu sự phân hóa giữa người bênh vực cho Bắc Kinh mà phần đông là cộng đồng người Hoa bị chạm vào lòng tự ái dân tộc và người chống đối Trung Quốc ở nước ngoài được dịp phơi bầy nỗi phẫn nộ. Ở đây phải nói, không chỉ có khủng hoảng Tây Tạng, cho dù các diễn tiến đẫm máu ở Tây Tạng vào tháng 3 đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình, xuống đường chống Trung Quốc, nhưng các chặng đường rước đuốc kể trên đã lột trần thêm nhiều môí bất hòa khác, nhiều sự tệ hại khác, bị lên án như việc bài trừ Pháp Luân Công, các hành vi trấn áp các nhà ly khai như chính sách cưỡng ép hồi hương hàng chục ngàn người tỵ nạn Bắc Triều Tiên và không công nhận cho họ quy chế tỵ nạn chính trị. Ngay ở Việt Nam, nếu được dịp, chắc hẳn là nhiều người đã muốn phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa.
Đi đến đâu, ngọn đuốc Thế Vận đã phát hiện đến đó một sự thật mà có lẽ Bắc Kinh cũng không dè chừng : Trung Quốc có rất nhiều kẻ thù và người ta rất sợ nước này, như tuần báo Le Nouvel Observateur đã viết trên trang nhất ngày hôm nay. Hình ảnh Trung Quốc bị sứt mẻ. Hố sâu ngăn cách giữa công luận thế giới và Bắc Kinh đã khiến cho tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy mất thể diện. Trong khi đó, dù muốn hay không, vấn đề Tây Tạng đã gây căng thẳng giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, đe dọa đến việc tiến hành trơn tru, suôn sẻ Thế Vận hội vào tháng 8. Bởi vậy, Bắc Kinh đã hé mở cánh cửa đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma. 100 ngày sắp tới là một khoảng cách thời gian khá dài để Trung Quốc đáp ứng lại những thách đố mà quốc gia này đã nhận lãnh khi được trao vinh dự tổ chức Thế Vận hội, đó là làm thế nào để cho người Trung Quốc và những người khác trên trái đất đều là kẻ thắng cuộc vào năm 2008, như lời chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc tế, ông Jacques Rogge đã tóm lược vào năm ngoái.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Ngọn lửa Olympique đến Séoul ngày 27/04/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét