23/04/2008_ Mỗi ngày, 3 tỷ người châu Á cần có gạo, lương thực cơ bản trong bữa ăn. Thế nhưng từ 4 năm qua, tổng lượng gạo sản xuất mỗi năm là khoảng 420 triệu tấn thì không tăng, trong khi dân số thì mỗi ngày mỗi đông thêm. Trong 4 năm qua đã có thêm 100 triệu người cần có gạo.
Sự thiếu cân bằng kể trên theo quy luật cung cầu là lý do chủ yếu dẫn đến khủng hoảng gạo khiến cho từ vài năm qua, đặc biệt là từ giữa 2007 đến nay, giá gạo tăng vọt tại châu Á nói chung và tại Đông Nam Á nói riêng. Theo nhà báo Larry Jagan, giá gạo tăng đến đều đều tuần này sang tuần khác, kể từ đầu năm nay trở đi. Một lý do nhất thời trong thời gian qua, gây nên tâm lý lo sợ thiếu gạo, cho nhiều dân tộc Đông Nam Á như Philippines và Indonesia. Đó là việc các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã nhanh chóng hạn chế lượng gạo bán ra nước ngoài, một mặt, để kiềm chế lạm phát và mặt khác, để bảo đảm nguồn cung ứng trong thị trường nội địa. Liệu tình trạng thiếu gạo tại châu Á có kéo dài hay là không ? Khủng hoảng này hiện nay là điều không ai phủ nhận, các dự phóng cho tương lai cũng khá bi quan. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO tỏ ra lạc quan cho 2008. Theo tổ chức này thì lượng gạo sản xuất trên thế giới sẽ tăng từ 7 đến 8 triệu tấn trong năm tới. Nếu không bị thiên tai, việc khuyến khích nông dân gia tăng sản xuất sẽ cho phép làm dịu thị trường gạo.
Thế nhưng, lương thực thế giới nói chung và gạo nói riêng, trong trung hạn sẽ khó mà giảm giá. Bức tranh lương thực về lâu về dài sẽ còn ảm đạm vì nhiều nguyên nhân thuộc về cơ cấu, khiến cho tình hình rất khó trở lại bình thường trong 1- 2 năm sắp tới. Lạm phát leo thang trên toàn thế giới đẩy mạnh giá cả lương thực, một phần bắt nguồn từ việc giá dầu hỏa không ngừng phá kỷ lục. Chỉ trong vòng vài tháng, giá một thùng dầu vượt ngưỡng 100 đôla và hiện nay có triển vọng vượt 120 đôla.
Nhưng sâu xa hơn, một vấn đề căn nguyên của khủng hoảng thiếu gạo tại châu Á nằm ở chỗ : nhiều quốc gia đang cất cánh như Trung Quốc và Ấn Độ chạy theo chính sách công nghiệp hóa và đã xao nhãng việc cải thiện nông nghiệp. Cả hai quốc gia cực kì đông dân này đã tập trung sức người và của vào nền công nghiệp. Họ đã tưởng lầm rằng với dự trữ ngoại tệ trong tay, họ tiếp tục mua được lương thực ở khắp nơi trên thế giới. Từ nhiều tháng qua, điều này đã ngày càng khó thực hiện. Lương thực trở nên món hàng khan hiếm khắp nơi trên hành tinh.
Ở đây, lại một lần nữa, quy luật cung cầu kinh tế thị trường khiến cho các quỹ đầu tư hùng mạnh đang đầu cơ vào lương thực. Có nhiều nguồn tin cho rằng, tình trạng khan hiếm gạo thêm trầm trọng vì nạn đầu cơ. Dẫu sao thời kỳ lương thực được giữ ở giá rẻ đã kết thúc. Các chính phủ châu Á đang phải đau đầu đối phó về lâu vê dài với nguy cơ thiếu gạo. Bởi vì, thay đổi chính sách đặc biệt là dành ưu tiên cho nông nghiệp và việc canh tác lúa gạo đòi hỏi thời gian, nói chi đến một cuộc cách mạng nông nghiệp mới, mà ngày nay chưa thấy xuất hiện bóng dáng.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Hai phụ nữ Bangladesh lượm lặt những hạt thóc rơi tại Tinrastar Mor, ngoại ô Dhaka, 17/04/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét