16/04/2008_ Chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng thống Lee Myung bak sẽ cho phép trắc nghiệm chính sách ngoại giao mới của Hàn Quốc.
Bắc Triều tiên, Afghanistan, hồ sơ cấm vận thịt bò Mỹ tại Hàn Quốc. Đó là ba vấn đề lớn mà tân Tổng thống Lee Myung bak sẽ phải đối mặt trong chuyến công du kéo dài gần một tuần lễ tại Hoa Kỳ. Đối với ông Lee Myung bak, ưu tiên ngoại giao của ông được đặt ở mục tiêu củng cố mối liên minh giữa Séoul và Washington, được xem là thành tố cơ bản bảo đảm cho các quyền lợi thiết thân của Hàn Quốc. Do đó mà chuyến công du đầu tiên của ông được giành cho Hoa Kỳ. Đỉnh cao mang tính biểu tượng của chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra vào ngày 20/04, khi ông Lee Myung bak vinh dự là lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên được Tổng thống George Bush đón tiếp tại trang trại Camp David, ở Washington DC.
Bắc Triều tiên, Afghanistan, hồ sơ cấm vận thịt bò Mỹ tại Hàn Quốc. Đó là ba vấn đề lớn mà tân Tổng thống Lee Myung bak sẽ phải đối mặt trong chuyến công du kéo dài gần một tuần lễ tại Hoa Kỳ. Đối với ông Lee Myung bak, ưu tiên ngoại giao của ông được đặt ở mục tiêu củng cố mối liên minh giữa Séoul và Washington, được xem là thành tố cơ bản bảo đảm cho các quyền lợi thiết thân của Hàn Quốc. Do đó mà chuyến công du đầu tiên của ông được giành cho Hoa Kỳ. Đỉnh cao mang tính biểu tượng của chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra vào ngày 20/04, khi ông Lee Myung bak vinh dự là lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên được Tổng thống George Bush đón tiếp tại trang trại Camp David, ở Washington DC.
Cho dù quan hệ giữa hai tổng thống Mỹ và Hàn Quốc được dự báo sẽ thắm thiết hơn nhiều so với thời gian vị tiền nhiệm của ông Lee, là ông Roh Moo-hyun nắm quyền, thế nhưng bước đường ngoại giao của ông Lee trên đất Mỹ sẽ không dễ dàng, êm thắm. Bằng chứng là nhật báo The Korea Herald, trong số đề ngày 15/04, dự trù cuộc tiếp xúc giữa hai ông Bush và Lee sẽ không đạt được một bản thông cáo chung nào. Trên hàng loạt hồ sơ, trong quan hệ song phương, lập trường đôi bên không phải là hoàn toàn đồng nhất.
Về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều tiên, ông Lee và ông Bush chắc hẳn sẽ tìm được một số đồng thuận, cho dù những câu chuyện trong hậu trường cuộc họp thượng đỉnh chưa chắc là sẽ được công khai hóa. Theo Washington, thì vào tuần trước, bế tắc trong đàm phán với Bắc Triều tiên đã được khai thông. Ông Lee sẽ tìm hiểu thêm về những đồng thuận giữa Mỹ và Bắc Triều tiên, mà theo một số nguồn tin, đã được giữ bí mật. Phối hợp nhịp nhàng lập trường hai nước trong đàm phán 6 bên sẽ đòi hỏi sự tinh tế và bền bỉ, trên một hồ sơ sẽ còn gây sóng gió trong nhiều năm sắp tới, trước khi mà Bình Nhưỡng bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Washington và Séoul. Đó là kịch bản tối ưu. Ngược lại, trong trường hợp xấu nhất, thì tân Tổng thống Hàn Quốc, người chủ trương cứng rắn hơn đối với Bắc Triều tiên càng phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó.
Tuy vậy, tài ngoại giao của tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ bị công luận nước này đặt lên bàn cân trên hai vấn đề khác được chăm chú theo dõi. Đó là Afghanistan và cấm vận thịt bò Mỹ. Trên cả hai hồ sơ này, Tổng thống Hàn Quốc bị gây áp lực về cả hai mặt : từ phía Hoa Kỳ và từ công luận trong nước.
Washington thúc giục Séoul chi viện quân sang Afghanistan, một điều không được dân chúng Hàn Quốc ủng hộ chút nào. Xin nhắc lại vào năm 2002, Hàn Quốc đã phái hơn 200 người sang Afghanistan phục vụ y tế và xây dựng tái thiết. Nhưng toàn bộ lực lượng Hàn Quốc đã được rút về nước vào cuối năm ngoái, sau khi một số công dân nước này bị quân Taliban bắt làm con tin và hai người trong nhóm đã bị sát hại. Ngày nay, Séoul sẽ phải đau đầu trước khi thoái thác đưa quân sang Afghanistan trong lúc mà Hoa Kỳ dàn trải 28000 lính Mỹ tại Hàn Quốc để bảo vệ cho nước này.
Cuối cùng, yêu sách của phía Hoa Kỳ đòi Hàn Quốc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thịt bò Mỹ cũng sẽ đặt ông Lee Myung bak trong thế khó xử. Lệnh cấm vận này đã có hiệu lực kể từ 2003 phòng ngừa bò dại. Ngày nay, Washington xem việc bãi bỏ cấm vận thịt bò Mỹ là điều kiện để Hoa Kỳ thông qua một Hiệp định Mậu dịch tự do giữa hai nước mà đôi bên đã ký kết. Bao nhiêu hồ sơ kể trên là bấy nhiêu thách thức buộc tân lãnh đạo Hàn Quốc thể hiện điều mà ông đã mệnh danh là chính sách ngoại giao thực dụng.
Bảo Thạch
(Ảnh : english.chosun.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét