Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008

TRUNG QUỐC-CHÂU ÂU : Nhân quyền và thương mại vẫn là hai vấn đề gây bất đồng

24/04/2008_ Cuộc họp thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc khai mạc ngày hôm nay trong bối cảnh mà tình hình Tây Tạng gây tranh cãi ngày càng nhiều và trong lúc mà vấn đề thương mại vẫn gây bất hòa giữa hai bên.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Marc Lebeaupin gởi về bài nhận định : « Tây Tạng không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc, nhưng Liên hiệp châu Âu không thể không đề cập đến chủ đề tế nhị này, cũng như vấn đề nhân quyền. Ngay trước khi đặt chân đến Bắc Kinh, Uỷ viên Đối ngoại của châu Âu Benita Ferrero Waldner đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc mở cuộc « đối thoại mang tính xây dựng và có thực chất » với đức Đạt Lai Lat Ma. Đối vơí châu Âu, đây là vấn đề ưu tiên. Như vậy là lại có thêm một nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai bên, vài giờ trước cuộc gặp gỡ giữa các các lãnh đạo Ủy ban châu Âu với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Những vấn đề nhạy cảm khác cũng sẽ được bàn thảo, trong đó có trao đổi mậu dịch song phương. Thâm thủng mậu dịch của châu Âu với Trung Quốc đã tiếp tục tăng lên thành 34 tỷ đôla trong ba tháng đầu năm 2008, so với 23 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái. Uỷ viên Thương mại của châu Âu Peter Mandelson chắc chắn sẽ yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh lại tỷ giá giữa euro với đồng Nhân dân tệ. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị tiền tệ của châu Âu đã tăng giá thêm 4% so với đơn vị tiền tệ của Trung Quốc. Trong khi ngược lại, đôla lại tiếp tục giảm giá so với Nhân dân tệ. Đối với châu Âu, tình hình này không thể kéo dài, trong khi đó, các nhà xuất khẩu Trung Quốc thì đang chuẩn bị kháng cự lại châu Âu, bởi vì họ đã bắt đầu than phiền là đồng Nhân dân tệ được định giá quá cao ».

Chưa biết hai bên có sẽ đạt được thỏa hiệp trên vấn đề mậu dịch hay không, nhưng trước mắt, Bắc Kinh đã bác bỏ lời kêu gọi của Liên hiệp châu Âu về việc đối thoại với đức Đạt Lai Lat Ma. Qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao, Trung Quốc hôm nay nhắc lại rằng Tây Tạng là chuyện nội bộ của họ và không có nước nào hoặc tổ chức nào của nước ngoài có thể can thiệp vào. Do trùng hợp về thời điểm, cuộc họp thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc diễn ra cùng lúc với chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ba nhân vật cao cấp trong chính giới Pháp nhằm xoa dịu dư luận Trung Quốc, hiện đang bị kích động tinh thần bài Pháp.

Khi chĩa mũi dùi vào nước Pháp, Trung Quốc muốn khai thác sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu về việc có nên tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội Bắc Kinh hay không. Tổng thống Sarkozy vẫn dọa sẽ tẩy chay lễ khai mạc này nếu chính quyền Trung Quốc không đối thoại với đức Đạt Lai Lat Ma, trong khi nhiều quốc gia khác của Liên hiệp châu Âu thì lại không muốn làm phật lòng Bắc Kinh vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế. Tóm lại, quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc vẫn còn những bất đồng căn bản trên hai vấn đề nhân quyền cũng như thương mại. Tình hình Tây Tạng và thời điểm sắp đến gần Thế Vận hội Bắc Kinh càng làm nổi rõ hơn những mối bất đồng đó.
Thanh Phương
(Ảnh : www.chine-informations.com: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và cựu thủ tướng Pháp Jean Pierre Raffarin, Bắc kinh, 24/04/2008)

Không có nhận xét nào: