11/04/2008_ Hôm qua, tại thủ đô La Habana, một nhóm 18 nhà đối lập Cuba đã thông qua một cương lĩnh chính trị cho thời kỳ chuyển tiếp dân chủ mà họ nghĩ là đang đến gần. Đứng đầu nhóm này là hai cựu tù nhân chính trị, đó là nhà kinh tế học Martha Beatriz Roque và ông Vladimiro Roca, con trai của Blas Roca, một trong những người sáng lập đảng Cộng sản Cuba.
Trong cuộc họp báo hôm qua, bà Martha Beatriz Roque tuyên bố: « Chúng tôi nghĩ rằng tiến trình chuyển tiếp phải được diễn ra trong một bầu không khí hòa giải dân tộc ». Bà cho biết bản cương lĩnh nói trên là nhằm để cho các nhà đối lập Cuba phối hợp làm việc chung với nhau trong giai đoạn mới, kể từ khi ông Raoul Castro thay thế người anh Fidel Castro lên nắm quyền lãnh đạo Cuba. Bà Martha Beatriz Roque nói thêm rằng, việc tập hợp những người mà trước đây có quan điểm đối nghịch với nhau vào trong một nhóm là một dấu hiệu cho thấy phe đối lập Cuba đã trưởng thành. Tuy nhiên, nếu như trong nhóm này có nhiều nhà đối lập nổi tiếng của Cuba, thì nhà đối lập theo Thiên chúa giáo Oswaldo Paya lại không tham gia. Mặt khác, tuy các nhà đối lập trong nhóm đã đồng ý với nhau về bản cương lĩnh gồm 30 điểm, trong đó có yêu cầu là chính quyền La Habana trả tự do cho các tù chính trị và chấm dứt đàn áp, nhưng họ lại bất đồng với nhau về vấn đề cấm vận của Mỹ.
Không chỉ giới đối lập chính trị mà cả giới văn nghệ sĩ Cuba nay cũng lên tiếng mạnh dạn hơn. Tại kỳ Đại hội lần thứ 7 Liên hiệp các Nghệ sĩ và Văn sĩ Cuba vào tuần trước, các đại biểu tham dự đã gay gắt phê bình và tự phê bình về điều mà họ gọi là « sự lệch pha giữa đề án văn hóa của Cách mạng với nhiều tầng lớp nhân dân ». Nói một cách dễ hiểu là những tác phẩm của họ cho tới nay chẳng có ăn nhập gì đến xã hội. Cắt đứt với truyền thống do người anh Fidel Castro xác lập, tân Chủ tịch Raoul Castro đã không đọc bài diễn văn bế mạc Đại hội, mà giao việc này cho Bộ trưởng văn hóa Abel Prieto. Ông Raoul Castro chỉ phát biểu ngắn gọn để mời gọi giới văn nghệ sĩ Cuba thẳng thắn bày tỏ những quan điểm khác biệt, vì theo ông chính từ những quan điểm khác biệt mà ta lấy những quyết định tốt nhất. Điểm đáng chú ý là cố vấn cho Chủ tịch đoàn Liên hiệp các Nghệ sĩ và Văn sĩ Cuba vừa được bầu lên chính là bà Grazziella Pogolotti, một nhà viết tiểu luận từng được trao giải cho một tác phẩm nói về những vụ đàn áp trí thức Cuba trong thời kỳ 1970-1975.
Về phần giới truyền thông Cuba, theo ghi nhận của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hiện nay, con số các nhà báo độc lập đông hơn so với trước thời kỳ trước Mùa xuân đen 2003. Vào thời kỳ đó, 90 nhà đối lập, trong đó có 27 nhà báo đã bị bắt giữ. 75 người trong số họ đã bị kết án từ 14 đến 30 năm tù. Cho tới nay, 55 nhà đối lập, trong đó có 19 nhà báo vẫn bị giam. Sau đợt đàn áp khốc liệt đó, ai cũng nghĩ rằng nền báo chí độc lập đã bị triệt tiêu, nhưng trong bản báo cáo công bố giữa tháng ba vừa qua, tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết là hiện nay có khoảng 150 nhà báo độc lập đang hành nghề ở Cuba, tức là đông với so với trước tháng 3 năm 2003. Những phóng viên này can đảm bám trụ vì họ tin là chẳng sớm thì muộn, một xã hội dân sự sẽ trỗi dậy ở Cuba và sẽ có chuyển biến trong nội bộ chế độ Castro.
Tóm lại, với việc ông Raoul Castro, một nhân vật được coi là có đầu óc thực tiễn, lên nắm quyền, giới đối lập Cuba hy vọng vào một sự chuyển tiếp dần dần sang nền dân chủ và họ đang ráo riết chuẩn bị cho thời kỳ đó.
Thanh Phương
(Ảnh : www.cubaverdad.net : bà Martha Beatriz Roque)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét