Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

TRUNG QUỐC : Chủ nghĩa dân tộc đi đôi với chính sách kiểm duyệt thông tin

20/04/2008_ Kể từ hôm qua, nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đã tiến hành đối sách nhắm vào nước Pháp, để trả đũa cho việc công luận Tây phương bênh vực Tây Tạng và đã gây xáo trộn trên lộ trình rước đuốc Thế Vận hội.

Hôm qua và hôm nay, hàng trăm người Trung Quốc, có lúc lên đến hàng ngàn người, đã biểu tình trong nhiều tỉnh của nước này, nhắm vào các siêu thị Carrefour của Pháp, đại sứ quán Pháp và trường học Pháp. Theo nhiều nguồn tin, có nơi đã tổ chức châm lửa đốt quốc kỳ của Pháp. Theo nhật báo Le Figaro, biểu tượng của Pháp là Jeanne d’Arc bị lăng mạ. Những hành vi kể trên có thể xem như việc chọn nước Pháp, doanh nhân Pháp và văn hóa Pháp làm đối tượng, trong khi trong suốt chặng đường ruốc đuốc Thế Vận tại Paris, người biểu tình ở Pháp không hề bài xích người dân Trung Quốc. Tại các nước phương Tây như Pháp, biểu tình bênh vực Tây Tạng chỉ nhắm vào đối tượng là chính sách của lãnh đạo Trung Quốc, chứ không nhầm lẫn với thể diện toàn dân tộc Trung Hoa.

Chớ trêu là giới truyền thông Trung Quốc kể từ khi nổ ra khủng hoảng Tây Tạng không ngớt lên án báo đài Pháp và phương Tây đã thông tin một chiều. Đổi lại, các nhà báo Trung Quốc đã không đặt câu hỏi việc tường thuật các diễn tiến sự kiện tại Tây Tạng cũng như đối chiếu các thông tin về Tây Tạng tại Trung Quốc trung thực đến mức nào khi mà tất cả các cơ quan truyền thông đều nằm trong tay Nhà nước và tiếng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma và người dân Tây Tạng bị thường xuyên bóp méo hay kiểm duyệt.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc xem các cuộc biểu tình 2 ngày qua là điều tự phát, bắt nguồn từ sự phẫn nộ của người dân. Nhưng ở một đất nước độc đảng thì mọi cuộc xuống đường đông đảo như hôm qua tại Trung Quốc, chắc hẳn nếu không được chỉ đạo từ trong hậu trường thì chí ít cũng phải được Nhà nước bật đèn xanh. Cũng không thể che dấu sự trùng hợp rất khả nghi giữa việc các hành vi bài Pháp hôm qua tại Trung Quốc lại diễn ra cùng lúc với các cuộc xuống đường của nhiều người Hoa tại Paris, Luân Đôn, Berlin, Vienna và Los Angeles, để chống lại việc họ xem là truyền thông phương Tây xuyên tạc, kêu gọi tẩy chay Thế Vận hội Bắc Kinh.

Những vụ xuống đường ồ ạt này của người Hoa khó mà được xem là tự phát khi đã được tổ chức chu đáo cùng ngày, với những khẩu hiệu tương tự. Ai đó cả tin có thể xem đây là biểu hiện của lòng yêu nước. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, họ sẽ thấy đằng sau các hiệp hội người Hoa ở nước ngoài, có bàn tay can thiệp của các điệp viên Trung Quốc, như nhà nghiên cứu Andrei Chang đã phân tích trong bài tựa đề : « Các điệp viên Trung Quốc trong các thành phố phương Tây », đăng trên địa chỉ web của hãng UIP. Nếu tất cả đã được dàn dựng như hiện nay các dấu hiệu vừa kể cho phép tin vào, thì câu hỏi là tại sao Bắc Kinh đã chọn điểm mặt Paris ? Vì lý do nào Bắc Kinh không gây sự với các đối tượng như Hoa Kỳ, Đức hay Anh Quốc ? Có nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh tấn công vào Paris, xem nước Pháp là đối tượng dễ bị tổn thương và yếu sức hơn là Hoa Kỳ, Đức và Anh Quốc. Ba nước này hiện là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, hơn là Pháp. Cũng có chuyên gia nêu lên lập luận : Rất có thể là Bắc Kinh muốn gây sức ép, buộc Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội, một khả năng mà Paris còn để mở, trong khi Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh đã dứt khoát tuyên bố sẽ không có mặt trong buổi lễ khai mạc Thế Vận hội Bắc Kinh.

Một giả thuyết khác xem việc Trung Quốc biểu lộ sức mạnh qua các cuộc biểu tình rầm rộ, chẳng qua chỉ là một phản xạ xưa cũ của thể chế toàn trị và giáo điều, hay quen quy trách nhiệm vào kẻ địch bên ngoài, ít biết nhận lãnh sai lầm của mình trong chính sách như trên hồ sơ Tây Tạng chẳng hạn.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Bản đồ các nơi có biểu tình bài Pháp tại Trung Quốc)

Không có nhận xét nào: