Lễ rước đuốc Thế Vận tại Paris hôm mùng 7 tháng tư bị thất bại đã làm cho Bắc Kinh nổi giận. Thái độ đe dọa tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận hội càng làm cho tình hình hai bên căng thẳng thêm. Liên tục trong ba ngày qua, tại Trung Quốc xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống truyền thông Tây phương và đặt biệt là chống Pháp với những khẩu hiệu và hành động cực đoan như gọi nữ anh hùng Jeanne d’Arc là gái điếm, vẽ chữ thập phát-xít lên cờ Pháp. Nhưng tại sao Trung Quốc lại chọn Pháp làm mục tiêu tấn công trong khi các cuộc biểu tình hậu thuẫn Tây Tạng nổ ra gần như khắp nơi từ Hy lạp, Anh Quốc, Hoa Kỳ và cả ở thủ đô của Indonesia vào hôm nay ?
Theo nhận định của giới chuyên gia Pháp như bà Valerie Niquet, Giám đốc Nghiên cứu Viện Bang giao Quốc tế IFRI thì chính quyền Trung Quốc trong quyết tâm áp đặt mô hình của mình, họ nỗ lực bác bỏ những nguyên tắc, những giá trị phổ quát của nhân loại như nhân quyền hay dân chủ. Cho nên, bên cạnh việc phô trương thành tựu qua tổ chức Thế Vận hội, Bắc Kinh còn có những toan tính khác từ chính trị đến chiến lược. Do đó, chính quyền Trung Quốc cần đến những đồng minh dễ tính. Thế nhưng, khi cử tri Pháp bầu ông Nicolas Sarkozy làm Tổng thống, Trung Quốc không dấu được lo ngại vì tân Tổng thống Pháp tuyên bố « đoạn tuyệt » với chính sách của người tiền nhiệm. Điều này mang ý nghĩa là Paris không còn xem Bắc Kinh là « người bạn » nữa. Thế rồi, nhân chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 11, Tổng thống Sarkozy lại tuyên bố trấn an, không phủ nhận chính sách gọi là « đối tác chiến lược toàn diện » của cựu Tổng thống Chirac đối với Trung Quốc. Đến khi vụ khủng khoảng Tây Tạng xảy ra, thì Bắc Kinh không hiểu tại sao Paris đổi hướng, lên án Trung Quốc đàn áp Tây Tạng. Tiếp theo đó, lập trường của Tổng thống Pháp gắn liền việc tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội với điều kiện Trung Quốc phải thương lượng với Đức Đạt lai Lạt Ma làm cho Bắc Kinh phải e dè. Trung Quốc cũng không quên là vào tháng 7 tới, chỉ một tháng trước khi Thế Vận hội khai mạc, Pháp sẽ làm chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu. Bằng mọi cách phải chận trước không để cho 27 nước thành viên cùng lấy chung một lập trường chống Trung Quốc. Một chuyên gia khác của Pháp là bà Françoise Mengin nhấn mạnh, nếu toàn thể Liên hiệp châu Âu đưa ra lập trường chung, thì Bắc Kinh hết đường « chia để trị ».
Câu hỏi đặt ra là Pháp phải ứng xử như thế nào là thượng sách ? Các nhà bình luận cho rằng « Nhượng bộ Trung Quốc quá nhanh là một sai lầm nên tránh ». Nói cách khác, nên chọn thái độ « lững lờ » và « tương đối lãnh đạm » là kế sách hay nhất đối phó với chiến thuật của Bắc Kinh. Cho đến nay, Tổng thống Sarkozy nhờ ba sứ giả mang thông điệp đến lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến vai trò « đối tác chiến lược toàn diện » mà Bắc Kinh rất mong muốn. Còn bản thân Tổng thống thì vẫn giữ nguyên lập trường. Ông vẫn đòi Trung Quốc phải đối thoại với Đức Đạt lai Lạt Ma trước khi quyết định có đến Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội hay không. Theo giới phân tích, thái độ này không chắc « hạ hỏa »được Bắc Kinh. Nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã để lộ nhiều thông điệp phản ảnh lập trường của đảng cộng sản chống lại các cuộc biểu tình và phong trào bài Tây phương. Họ e ngại hình thức chống đối bằng biểu tình, mà chính luật pháp của Trung Quốc không cho phép, sẽ vượt ra ngoài tầm « hợp lý ». Hồi đầu cuộc khủng hoảng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du giải thích rằng người dân Trung Quốc có quyền biểu lộ ý kiến và điều này phải làm nước Pháp suy nghĩ. Bà Khương Du còn nói thêm là để trở thành bè bạn, mỗi bên cần phải có cố gắng. Trong tinh thần này, Paris dường như đã chứng tỏ mình đủ khả năng làm cử chỉ thiện chí.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : Một cuộc biểu tình bài Pháp ngày 19 tháng 4 năm 2008 tại Trung Quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét