Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2008

TRUNG QUỐC : Vẫn xuất khẩu hàng hóa độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng

18/04/2008_ Ủy ban châu Âu, tức là cơ quan hành pháp của Liên hiệp châu Âu, ngày hôm qua, cho biết, các loại hàng hóa, đặc biệt là đồ chơi trẻ em gây nguy hiểm cho người tiêu dùng phần lớn là do Trung Quốc xuất khẩu.

Các nước châu Âu đã thanh tra và rút ra khỏi thị trường số sản phẩm độc hại lên đến mức kỷ lục. Trong năm 2007, 1605 món hàng được phát hiện, tăng 53% so với năm 2006. Bản báo cáo thường niên của Liên hiệp châu Âu đưa ra những trường hợp cụ thể như gấu nhồi bông bị sút mắt, rụng lông một cách dễ dàng. Đồ chơi chứa hóa chất nguy hiểm, cấu trúc không bền dễ rách, khiến cho trẻ con nuốt vào bụng. Bên cạnh đó là các đồ dụng bằng điện thiếu an toàn như đèn pin, vỉ nướng bánh mì làm người sử dụng bị điện giật. Xe môtô loại nhỏ không chịu đựng được sức nặng của người sử dụng, v.v. 2007 cũng là năm được đánh dấu với hàng loạt tai tiếng Trung Quốc chế tạo sản phẩm kém chất lượng, thiếu an toàn, từ đồ chơi trẻ em, thức ăn cho gia súc, đến kem đánh răng và thuốc sản xuất chứa chất chống đông dùng cho động cơ xe hơi. Hơn 10 triệu mặt hàng bị gởi trả về Trung Quốc.

Khi công bố bản báo cáo này, ủy viên châu Âu đặc trách bảo vệ người tiêu dùng, bà Meglena Kuneva cho biết thêm là từ sau loạt tai tiếng hồi mùa hè năm ngoái với vụ tập đoàn Mattel của Mỹ gởi trả về Trung Quốc một triệu món đồ chơi, Liên hiệp châu Âu đã gia tăng các biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đã gây áp lực với chính quyền Trung Quốc, kể cả biện pháp đe dọa tẩy chay, để buộc phía đối tác phải có hành động cụ thể chấm dứt tệ nạn này. Ủy viên Kuneva cho rằng thái độ của Liên hiệp châu Âu đã mang lại kết quả mặc dù trên thực tế, phía Trung Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong một thời gian ngắn, chính quyền Trung Quốc đã kết án và xử bắn người đứng đầu cơ quan an toàn thực phẩm và thuốc của Trung Quốc. Song song với hành động trấn an công luận, chính quyền Trung Quốc thanh tra 3540 nhà xuất khẩu có giấy phép và một số bị buộc phải tăng cường biện pháp kiểm soát độ an toàn sản phẩm chế tạo. Tuy nhiên, bà Kuneva gián tiếp cảnh báo Trung Quốc là Liên hiệp châu Âu dứt khoát không chấp nhận thỏa hiệp về mức độ an toàn của sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu. Cho nên vào tháng sáu tới đây, hai tháng trước khi Thế Vận hội khai mạc, bà sẽ sang Bắc Kinh để xem xét những thành quả đạt được và nghiên cứu những khả năng cải thiện.

Các chuyên gia châu Âu không thực sự tin tưởng chính quyền Trung Quốc đã có những biện pháp cụ thể, nhưng cố tránh không để gây thêm hiềm khích. AFP chú ý đến câu nhận định : Trung Quốc dường như có tiến hành một số biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng sản xuất. Theo AFP, bản báo cáo thường niên của Liên hiệp châu Âu làm cho uy thế của nước chủ nhà đón tiếp Thế Vận hội vào tháng 8 bị sứt mẻ thêm trong bối cảnh Bắc Kinh đang đớn đau vì bị công luận Tây phương công kích trên hồ sơ Tây Tạng cũng như qua hình ảnh ngọn đuốc bị tẩy chay.

Chưa biết Bắc Kinh sẽ cân nhắc lợi hại ra sao vào lúc tại Trung Quốc có một chiến dịch vận động tẩy chay hàng hóa Pháp, thành viên Liên hiệp châu Âu duy nhất bị Trung Quốc chĩa mũi dùi. Có điều, chiều hôm qua, lần đầu tiên từ khi xảy ra chiến dịch bài Pháp,Tân Hoa xã đưa ra lời kêu gọi người dân Trung Quốc đừng để lòng căm phẫn chống Tây phương làm phương hại đến chính sách mở cửa đón tiếp đầu tư nước ngoài. Bình luận về bản tin của Tân Hoa xã, AFP nhắc lại là hồi năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã để dấy lên một phong trào chống Nhật Bản qua hình thức biểu tình và phản ứng trên mạng internet. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, chính quyền đã ra lịnh cấm vì sợ phong trào phản kháng được thể quay ra chống đảng.
Tú Anh
(Ảnh : AFP)

Không có nhận xét nào: