14/02/2008_ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, ngày hôm qua, đã công bố bản báo cáo thường niên 2008 về tự do báo chí trên thế giới. Năm nay, đặc biệt Phóng viên Không Biên giới quan tâm đến tình hình đàn áp tự do báo chí ở Trung Quốc, nước đang là điểm ngắm của toàn thế giới khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 sắp đến gần. Bản báo cáo 2008 lên án hành động kiểm duyệt và đàn áp giới nhà báo ở Trung Quốc.
Bên cạnh Trung Quốc, một trong những quốc gia bị chỉ trích nặng nề nhất vẫn là Việt Nam. Trong phần nói về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm qua, Phóng viên Không Biên giới đề cập đầu tiên đến phiên tòa xử cha Nguyễn Văn Lý, thuộc ban biên tập tờ báo đối lập Tự do ngôn luận, diễn ra tại Huế vào tháng 5. Trong phiên xử này, cha Lý đã bị kết án 8 năm tù, còn bốn cộng sự viên của vị linh mục này lãnh án từ 1 năm rưỡi tù treo đến 6 năm tù. Cũng theo Phóng viên Không Biên giới, chính quyền Hà Nội nay lại sử dụng hình thức « tòa án nhân dân », tức là các phiên đấu tố, nhằm hù doạ các nhà đối lập, như trường hợp của nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn và luật sư Nguyễn Văn Đài. Nguyễn Văn Đài và đồng nghiệp của anh là luật sư Lê Thị Công Nhân vào tháng 5 đã bị kết án 5 năm tù và 4 năm tù với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước, chiếu theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tại Sài Gòn, ba đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân bị cấm hoạt động là bác sĩ Lê Nguyên Sang, nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo và luật sư Nguyễn Bắc Truyền cũng đã bị kết án tù vì tội phổ biến qua mạng Internet những tài liệu chống chế độ. Anh Trần Quốc Hiền, phát ngôn viên của Hiệp hội Đoàn Kết Công Nông, thì bị bắt vào tháng giêng cũng vì tội tuyên truyền chống chế độ.
Trong phần nói về Việt Nam, tổ chức Phóng viên Không Biên giới nhắc lại vụ bắt giữ nhà báo quốc tịch Pháp Nguyễn Thị Thanh Vân, làm việc cho đài phát thanh Chân Trời Mới, bị chính quyền bắt giam từ ngày 17 tháng 11 đến 12 tháng 12 ở Sài Gòn với tội danh khủng bố. Theo Phóng viên Không Biên giới, vụ này phản ánh thái độ thù nghịch của chính quyền Việt Nam đối với các đài phát thanh quốc tế phát bằng Việt ngữ. Chẳng hạn như đại sứ quán Việt Nam đã từ chối cấp visa nhập cảnh cho một phóng viên của RFI.
Trong nước, những tờ báo cấp tiến như Tuổi Trẻ đã cố thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của kiểm duyệt, nhưng chính quyền đã dựa trên một đạo luật rất khắt khe để buộc những nhà báo dũng cảm nhất phải im tiếng. Ngược lại, những tờ báo chính thức như Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô, thường xuyên đăng bài tố cáo những người bị coi là « thành phần kích động và khủng bố ». Một số chính phủ ngoại quốc và tổ chức quốc tế, như Phóng viên Không Biên giới thì bị lên án là yểm trợ cho những kẻ thù của chế độ. Về Internet ở Việt Nam, bản báo cáo 2008 của Phóng viên Không Biên giới còn nhấn mạnh là trong năm 2007, đã diễn ra đợt đàn áp dữ dội nhất kể năm 2002, cụ thể là chỉ trong vòng một tuần lễ, sáu nhà đối lập trên mạng cyberdissidents đã bị kết án từ 3 đến 5 năm tù. Tính đến ngày 1 tháng giêng 2008, tám nhà đối lập trên mạng còn bị giam cầm ở Việt Nam vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận trên mạng. Nói chung, theo Phóng viên Không Biên giới, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia độc đoán nhất thế giới và vẫn theo sát mô hình của Trung Quốc về mặt vi phạm quyền tự do ngôn luận trên mạng Internet.
Thanh Phương
(Ảnh : newsimg.bbc.co.uk)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét